Người gieo sự sống tại tâm bão sởi

Suốt 5 tháng, ông và các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đã chiến đấu trong tâm sởi đến kiệt sức, quay cuồng chỉ để mong níu kéo được càng nhiều sự sống cho các bé càng tốt. 

Nước mắt người thầy thuốc

Là người đứng đầu khoa Nhi, BV Bạch Mai – bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước, lúc nào cũng đông bệnh nhân nhưng PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng được đánh giá là người rất thân thiện và cởi mở với báo chí. Ông sẵn sàng tiếp các phóng viên khi cần phỏng vấn để viết bài tư vấn về sức khỏe cho cộng đồng. Vậy mà từ khi dịch sởi hoành hành đến nay, gặp được ông rất khó. Nhiều lúc đợi chờ gặp được ông nhưng cuộc trò chuyện bị cắt ngang bởi có bé bỗng bị khó thở, suy hô hấp đột ngột, bác sĩ vào báo, ông lại tất tả chạy đến bên giường bệnh của cháu bé hoặc phải tiến hành hội chẩn gấp. Ông cứ bước đi thoăn thoắt, vừa đi vừa nói: “nhà báo có gì hỏi nhanh, ngắn gọn nhé, có nhiều bệnh nhi nặng quá, mình phải đi buồng bệnh”.

Cho tới nay, khi mà dịch sởi đã tạm lắng một chút ông mới có thể ngồi trò chuyện với phóng viên. Ông tâm sự, 5 tháng trời ông và các đồng nghiệp đã thực sự tham gia một cuộc chiến. Cuộc chiến tại tâm bão sởi nơi mà ông và các bác sĩ không còn nhớ họ đã phải ở lại bệnh viện bao nhiêu đêm, đã có bao nhiêu ngày phải đứng và chạy buồng bệnh liên tục, quay cuồng không còn phút để ngồi nghỉ hoặc ăn bữa cơm trưa cho đúng nghĩa.

anh minh hoa

(Nụ cười của người bà khi cháu khỏi bệnh sởi)

Nhớ lại những ngày dịch sởi hoành hành dữ dội nhất, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Đã có những lúc tôi và các đồng nghiệp cảm thấy đau đớn đến bất lực. Không bất lực sao được khi mà các cháu đã được chữa trị bằng những thuốc tốt nhất, phương tiện hiện đại nhất, các bác sĩ đã làm cố hết sức với trình độ chuyên môn giỏi nhưng vẫn không níu được sự sống cho các cháu”.

Trong dịch sởi vừa qua rất nhiều gia đình cùng lúc có 2 con nhiễm sởi phải nhập viện. Ông bảo không đau đớn sao được khi khoa ông đã phải chứng kiến nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, chữa chạy bao năm mới có con nhưng đã phải giành giật với tử thần nơi buồng bệnh. Ông nhớ nhất trường hợp của 2 vợ chồng trẻ ở Mỹ Hào, Hưng Yên.

“Tôi nhớ như in cái ngày giữa tháng 4 – đúng lúc dịch sởi đang ở tâm điểm đôi vợ chồng trẻ nước mắt lưng tròng ôm con là bé Đức Anh chạy vào khoa. Người mẹ trẻ gần như ngất lịm cứ bấu lấy bác sĩ cầu cứu. Họ đã phải mất 7 năm chạy chữa hiếm muộn mới có được 2 bé sinh đôi bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Vậy mà họ đã mất một đứa, đứa còn lại đang trong tình trạng nguy kịch, phổi tổn thương nặng nề cũng vì bệnh sởi”.

Thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt và nỗi đau của gia đình, ngay khi bé nhập viện ông đã chỉ đạo các bác sĩ truyền các loại thuốc tốt nhất và có chế độ chăm sóc đặc biệt cho cháu. Bé Đức Anh luôn có bác sĩ, điều dưỡng túc trực bên giường bệnh … Ông và các bác sĩ liên tục xem bệnh án và kết quả xét nghiệm của bé, có thể hội chẩn nhanh bất cứ lúc nào để có thể đưa ra những quyết định tốt nhất nhằm cứu bé.

0“Hàng ngày đi làm, không chỉ tôi mà tất cả anh chị em trong khoa đều ái ngại cảm thông khi thấy người mẹ của bé Đức Anh khóc đến cạn khô nước mắt, kiệt cả sức nhưng nhất định không rời giường con. Khi thăm khám, bà nội của bé đã nắm lấy tay tôi và nói: “Bác sĩ ơi hãy cố cứu lấy cháu, gia đình tôi chỉ còn mỗi đứa cháu này thôi”. Chứng kiến cảnh đó chúng tôi đã rơi lệ và càng quyết tâm cứu bé bằng mọi giá”.

Rất may, sau 1 tháng điều trị tích cực và thở máy liên tục nhiều ngày, Đức Anh đã hồi phục, và khỏi bệnh. Bé đã được xuất viện, trở về nhà trong niềm hạnh phúc của cả những người thầy thuốc và gia đình.

Chưa bao giờ mạng sống lại mong manh đến thế

Nhận định về dịch sởi năm nay, vị phó giáo sư đã phải thốt lên: “Với mấy chục năm gắn bó với khoa Nhi chưa bao giờ tôi thấy dịch sởi lại bất thường và nặng nề như năm nay. Có những bé mắc sởi cắt sốt, cai được thở máy, nô đùa chạy nhảy tốt nhưng vài ngày sau bệnh bỗng trở nặng bất thường, thậm chí không thể qua khỏi. Chưa bao giờ tôi phải chứng kiến nhiều trường hợp mà ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế”. Hồi tưởng lại điểm bất thường này PGS.TS. Dũng nhớ mãi chùm ca bệnh đặc biệt người mẹ và 2 con bé Gia Khánh, Gia Bảo (1 bé 25 tháng tuổi và 1 bé 7 tháng tuổi) ở Ứng Hòa, Hà Nội cùng nhập viện vì nhiễm sởi. Sau 10 ngày thở máy liên tục, bé Gia Khánh cai được thở máy, sức khỏe có dấu hiệu hồi phục tốt, em bắt đầu ăn trở lại được, dù phổi còn tổn thương. Gia Khánh còn nô đùa, chạy nhảy trong khuôn viên của khoa trong khi người em Gia Bảo vẫn đang nguy kịch trên giường bệnh. Nhìn thấy Gia Bảo, các bác sĩ và bố mẹ em khấp khởi mừng thầm, tưởng rằng giờ chỉ còn lo cho đứa em.

Vậy mà, chỉ sau vài ngày khỏe lại, Gia Khánh bỗng ho nhiều, khó thở, bác sĩ phải cho thở máy trở lại. Và vào ngày 21/4, nhịp tim của bé chậm dần, mẹ bé đã khóc nấc khi chạy ra thông báo cho bác sĩ. Các bác sĩ có mặt ngay lập tức, nỗ lực ép tim gần 1 tiếng và dùng mọi loại thuốc tốt nhất nhưng bé Gia Khánh đã vĩnh viễn ra đi sau 1 tháng chống chọi với bệnh sởi.

“Niềm an ủi, hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi và cả bố mẹ cháu là bé Gia Bảo – em của Gia Khánh đã khỏi bệnh sởi, xuất viện trở về nhà khỏe mạnh”, PGS.TS. Dũng cho biết.

Hiện nay dù dịch sởi đã tạm lắng, khoa Nhi vẫn còn gần 60 bệnh nhi sởi đang điều trị, trong đó có 8 bệnh nhân nặng, phải thở máy. Người bác sĩ tận tụy nhắn nhủ ông mong rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào gia đình hãy vững tâm hơn, đừng cho trẻ về nhà chờ chết, hãy tin tưởng và đồng hành cùng bác sĩ, dù trẻ chỉ còn một tia hi vọng được sống.

Mai Anh