Mùa thi: bệnh tâm thần gia tăng

Đã thành lệ, cứ đến mùa thi là số lượng bệnh nhân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần gia tăng. Áp lực học tập, thi cử khiến học sinh cuối các cấp thường rơi vào trạng thái tinh thần căng thẳng, trầm cảm, mất trí nhớ nhất thời, thậm chí có trẻ còn có biểu hiện mu ốn tự sát. 

Gánh nặng thi cử

Mùa thi tới gần cũng là thời điểm số bệnh nhân tới các cơ sở khám, điều trị bệnh tâm thần tăng cao. Thời lượng dành cho việc học nhiều cùng với gánh nặng đến từ sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè khiến các em học sinh rơi vào trạng thái tâm lý ức chế. Một nguyên nhân nữa đến từ chính bản thân của các em, đó là tâm lý ganh tị, ghen ghét, sự hơn thua trong kết quả học tập gây ức chế khiến trẻ mất kiểm soát trong cách ứng xử, hành vi. Chính những trạng thái tâm lý đó sẽ gây nên sự chèn ép các cơ quan chức năng của hệ thần kinh biểu hiện rõ nét là bệnh trầm cảm – đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tự sát ở lứa tuổi vị thành niên.

 

anh minh hoa

Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương

 

Tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, em N.H.T, trường THPT Ứng Hòa A, Hà Nội) được mẹ là cô N.T.N đưa đi khám: “Nó là một đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi lại chịu khó. Nhưng khoảng hai tháng trở lại đây trước kì thi học kì II nó có những biểu hiện rất lạ: thường nhốt mình trong phòng, nói chuyện một mình, không chịu giao tiếp với bạn bè cùng lớp. Có những đêm nó gào khóc khiếp lắm lại còn nói nhảm “con không thi đâu, đừng bắt con thi, con cầu xin mọi người”. Bệnh của nó ngày càng nặng nên tôi đưa cháu đi khám”, cô N buồn rầu chia sẻ. Bác sĩ cho cô N biết, H.T bị trầm cảm nặng nếu để thời gian lâu hơn bệnh sẽ rất khó chữa.

Đưa bạn đi khám bệnh, L.T.N, bạn của H.T cho biết: “Em học cùng với bạn ấy từ nhỏ nên tính cách của T em rất hiểu. Bạn ấy là một người vui vẻ, thoải mái, hòa đồng với tất cả mọi người, thành tích học tập luôn đứng đầu lớp. Tuy nhiên, trước khi bước vào kì thi học kì II, bạn trở nên cục cằn, khó chịu với tất cả mọi người, nói những câu nói không có đầu đuôi, và thích nói chuyện một mình, cứ mọi người quan tâm hỏi han là bạn ấy gào khóc, hoảng loạn, trông sợ lắm”.

Tận mất chứng kiến H.T được nhân viên y tế dìu qua phòng điện não đồ, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt vô hồn của cô học sinh khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng. Một cô bé hồn nhiên, vô tư ngày nào giờ đôi mắt thâm quầng, miệng nói vu vơ, dáng vẻ sợ sệt. Cô N nhìn con khóc không thành tiếng: “Cũng chỉ tại vợ chồng cô bận công việc làm ăn không có thời gian quan tâm chăm sóc em nó nên giờ nó mới bị như vậy”

Từ Thái Nguyên xuống khám bệnh, em Đ.T.H, học sinh trường THPT Lương Ngọc Quyến khóc ròng khi bác sỹ lưu ý không nên quá tập trung vào việc học, cần điều trị các chứng bệnh về thần kinh ngay. H nói trong nước mắt: “Chỉ còn gần tháng nữa là em thi rồi. Em muốn đỗ vào ĐH Ngoại thương nên phải cố gắng học ngày 18 tiếng, mỗi ngày em chỉ ngủ vài tiếng gần sáng thôi. Mấy ngày nay, em thấy học mãi mà không nhớ được, cứ quên hết. Ai nói hay hỏi là chỉ chực khóc nên mẹ em sợ, cho đi khám”.

Bác sĩ Ngô Văn Trường, chuyên khoa lâm sàng – Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ. Một trong những nguyên nhân gây căng thẳng ở trẻ em là áp lực học tập. Nhiều trường hợp do bố mẹ đòi hỏi quá mức ở kết quả học tập của con cái so với khả năng con có thể đạt được và sự ngộ nhận về khả năng học tập của con em mình. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh tâm thần. Trong hoàn cảnh đó sự động viên an ủi của các bậc cha mẹ, hiểu được những tâm nguyện của con cái là điều cần thiết. Những đứa trẻ được hưởng trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc từ người thân trong gia đình sẽ phát triển toàn diện hơn về nhân cách, tránh xa được bệnh về tâm lý so với những đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ”.

Cần điều chỉnh lối sống

Ngày càng nhiều các bệnh có liên quan đến hệ thần kinh trung ương gia tăng như: bệnh suy giảm trí nhớ, bệnh tâm thần do sự suy giảm chức năng của các nơron thần kinh. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần do trực tiếp hoặc gián tiếp như: não bị ảnh hưởng, va đập do tai nạn, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não; cơ thể sị suy nhược trong thời gian dài: thiếu vitamin, trẻ kém ăn, mắc các bệnh nội khoa, nội tiết. Ngoài ra bệnh tâm thần cũng phát sinh do tâm lý: tâm lý căng thẳng trong thời gian dài, rối loạn các hành vi, ứng xử ở thanh, thiếu niên; rối loạn do ám ảnh, lo âu. Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này là do chịu sự áp lực của công việc cũng như cuộc sống gia đình, tình trạng stress kéo dài, mất ngủ, luôn trong trạng thái hồi hộp, lo lắng, căng thẳng gây ức chế thần kinh.

Bệnh tâm thần là những bệnh do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, hành vi, ý tưởng, tác phong, tình cảm… Bệnh không chỉ làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt mà còn có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, tinh thần của bản thân mỗi người, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn hại cả về kinh tế.

Bà N.T.C ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội đã phải thức đêm để trông con trai 19 tuổi do con có biểu hiện muốn tự sát. 11 năm liền là học sinh giỏi của trường THPT Xuân Đỉnh, tới cuối năm lớp 12, N.T.Đ, con trai bà C bỗng trở nên khác thường. Đạt thường xuyên cáu kỉnh, giận giữ và chán học. Bệnh trầm trọng hơn khi Đ được điểm kém kỳ thi học kỳ 2, cậu thường xuyên trốn lên sân thượng của gia đình và khóc. Khi bà C đưa con đi khám, bác sỹ nói Đ bị trầm cảm mức độ cao có biểu hiện chán sống.

Những người mắc phải bệnh liên quan đến thần kinh bị ức chế luôn có nét mặt buồn rầu, bực dọc, hay cáu gắt vô cớ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, mất hết những sở thích vốn có, dễ bị kích động, chán nản, bi quan, tự thấy mình kém cỏi hơn bạn bè, là gánh nặng của gia đình và nhà trường. Do khó tập trung nên trí nhớ của bệnh nhân giảm sút khiến kết quả học tập yếu đi nhanh chóng. Bệnh nhân cũng có cảm giác không thèm ăn, ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi, giảm cân nhanh, cũng có người ăn quá nhiều dẫn đến tình trạng béo phì; trong đầu luôn có ý nghĩ muốn chết (mất ngủ, mệt mỏi thế này thì chết mất), (chết đi cho đỡ phải trở thành gánh nặng của gia đình và nhà trường), đôi khi còn muốn tự sát như dùng dao tự rạch, cắt tay; uống thuốc ngủ, thuốc độc, nhảy từ trên cao xuống)…

Do đó các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao các biểu hiện khác thường của con để có phương án chữa trị kịp thời. Thường xuyên cho con đi thăm khám định kì, nếu nghi ngờ con có nguy cơ mắc bệnh phải đưa đến khám tại bác sĩ tâm thần để xác định xem con mình có mắc bệnh hay không.

Thu Trang