Gia đình cố bác sỹ Hoàng Thụy Ba: Danh gia sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại

Thầy thuốc, trước tiên là trí thức, không chỉ đem sở học ra cứu người mà còn phải đóng góp cho sự phát triển đất nước. Nói như một triết gia Nga, tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội, là toàn bộ các lực lượng sống động của nhân dân… Những bác sĩ đầu tiên của đất nước đã chứng tỏ lực lượng thầy thuốc Việt Nam xứng đáng với định nghĩa đó. Trong bài viết này, chúng tôi muốn trân trọng nhắc tới bác sỹ Hoàng Thụy Ba và gia đình.
Trong lịch sử y khoa Việt Nam, bác sĩ Hoàng Thụy Ba là một trong hai bác sĩ đầu tiên của trường ĐH Y Dược Hà Nội (cùng với bác sĩ Đặng Vũ Lạc). Ông đã bảo vệ thành công luận án “Góp phần nghiên cứu U nội mạc trực tràng – âm đạo” tại Đại học Y khoa Paris và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp cấp bằng bác sĩ ngày 1/10/1928. Những hoạt động vì nước, vì dân của bác sĩ Hoàng Thụy Ba không chỉ là niềm tự hào của giới y khoa Việt Nam mà sĩ tiết của ông, đạo đức của ông cũng là tấm gương cho con cháu và nhiều người học hỏi.

Người thầy thuốc – thầy giáo giàu lòng nhân ái

 

 

Ảnh bác sĩ Hoàng Thụy Ba chụp năm 1927 khi hoàn thành luận án tại Paris

Ngày 24/12/1927, ngay sau khi bảo vệ thành công luận án bác sĩ, thầy thuốc Hoàng Thụy Ba đã lên tàu biển về nước. Mặc dù được chính quyền Pháp và nhà Nguyễn trọng dụng như một quan chức ngành y tế hàng đầu, nhưng mối quan tâm của bác sĩ Hoàng Thụy Ba là xây dựng hệ thống y tế cơ sở và đào tạo lực lượng thầy thuốc tây y người Việt. Mặc dù có điều kiện ở Hà Nội nhưng Bs. Ba đã đi làm việc tại tỉnh miền núi Tuyên Quang khi đó còn rất hoang sơ.
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bác sỹ Hoàng Thụy Ba được cử làm giám đốc đầu tiên của Sở Y tế Khu 11 (Hà Nội), rồi trong kháng chiến chống Pháp, Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí đã giao việc thành lập và điều hành Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III- IV, trường đào tạo nữ hộ sinh trung cấp duy nhất của ngành Y tế, cho bác sỹ Hoàng Thụy Ba.

BS Hoàng Thụy Ba đại diện trí thức và nhân dân Thủ đô đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ trở về Hà Nội

Trong khoa học, có người thành danh vì một phát minh, đứng ở đỉnh cao khoa học, Hoàng Thụy Ba chỉ là một bác sĩ sản khoa, nhưng ông có vai trò quan trọng ở một thời điểm lịch sử, đào tạo ra hàng trăm nữ hộ sinh, qua họ lại đào tạo ra hàng ngàn hộ sinh khác. Không thể tính được con số bao nhiêu trẻ em được cứu sống khỏi các bà mụ hộ sinh vườn cắt rốn bằng liềm, dao, nứa, kéo… tỷ lệ tử vong sơ sinh rất cao do trẻ bị uốn ván, nhiễm trùng rốn…, mẹ thì sót rau, băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng sau đẻ. Những trẻ em được cứu sống từ khi có mạng lưới hộ sinh nhân dân đó, người nhiều tuổi nhất cũng đã gần 60 tuổi, nguồn nhân lực nhân tài quan trọng đã đóng góp cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc cho đến ngày nay.

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đang ở thời kỳ gian khổ nhất (vì chưa giải phóng biên giới nên chưa có sự tiếp sức của nước bạn), thầy hiệu trưởng Hoàng Thụy Ba đã thấm nhuần khẩu hiệu “dựa vào dân”, rồi “tự lực cánh sinh”. Tại các thôn Yên Định, Yên Hoành (huyện Yên Định, Thanh Hoá), lớp học và cơ sở thực tập của Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III-IV là những đình chùa, miếu mạo, điếm canh… bỏ hoang, được dọn dẹp, dựng phên nứa lá che gió, che mưa. Từ soạn chương trình đến dạy môn lý thuyết và hướng dẫn thực hành đều do thầy Hoàng Thụy Ba trực tiếp thực hiện. BS Ba là người đầu tiên giảng dạy sản khoa bằng tiếng Việt. Thầy hiệu trưởng cho mở ba nhà hộ sinh tại địa phương để kết hợp dạy thực hành và phục vụ đồng bào.

Những học viên được xác định rõ những yêu cầu khi bước vào ngành, qua những giờ học lý thuyết trên lớp kết hợp với thực hành dưới sự hướng dẫn cặn kẽ, nhất là theo dõi, uốn nắn từng động tác nhỏ trong kỹ thuật sản khoa của thầy Ba nên đã nhiều thập kỷ trôi qua, những học trò cũ vẫn nhớ như in những việc làm tuần tự đối với một sản phụ vào viện. Tất cả các thao tác chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc đẻ và sau đẻ. Có thời gian địa điểm của trường bị máy bay bắn phá sạt mái, học viên phải lấy thân mình che cho sản phụ. Có lúc hết kinh phí, đến ba tháng trời học viên không có gạo ăn, chưa kể đến một số yêu cầu tối thiểu cho hoạt động của trường cũng thiếu, thầy Ba phải bán nốt một số đồ dùng và ba lạng vàng cuối cùng của riêng thầy để lấy tiền đong gạo cho học viên.

Khi thầy còn sống, nhiều học trò dù đã 70, 80 tuổi, hàng năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại tụ họp quây quần bên thầy Ba ôn lại những kỷ niệm thân thương. Bác sỹ Nguyễn Thị Toản từng kể lại trong một bài báo: “Ngoài giờ học ở lớp, ở nhà hộ sinh, chúng tôi còn được thầy Ba bố trí thành từng nhóm vào các làng bản khám thai, tuyên truyền vệ sinh thai nghén, nuôi con theo phương pháp khoa học, không chờ sản phụ mà đến tận nhà vận động họ đến đẻ ở nhà hộ sinh, soạn các bài để đi nói chuyện trong dân… Nửa thế kỷ trôi qua, đến nay chúng tôi vẫn nhớ như in sự tận tụy, tình thương yêu của các thầy cô, trước hết là của thầy hiệu trưởng với chúng tôi”.

Năm 1952, bác sĩ Hoàng Thụy Ba trở về Hà Nội mở bệnh viện tư để sinh sống và chăm sóc mẹ già. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Y sĩ Bắc Việt. Đến năm 1959, bác sĩ Hoàng Thụy Ba đóng cửa bệnh viện tư, hiến tặng Nhà nước mọi thiết bị y tế của bệnh viện, vào làm việc ở Bệnh viện C (nay là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh) với chức trưởng phòng rồi ông được bầu làm Phó Ban Y tế Xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố các khoá I, II, III cho đến khi về hưu. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội Hồng thập tự Việt Nam… Dù ở cương vị nào bác sỹ Hoàng Thụy Ba luôn giữ được cốt cách của một nhân sĩ Bắc Hà.

Một gia đình tri thức điển hình của thời hiện đại
Thân sinh của bác sĩ Hoàng Thụy Ba là cụ Hoàng Thụy Chi, Tổng đốc Bắc Giang (người thời đó quen gọi là Cụ Tuần Chi) giỏi Hán Nôm, là cử nhân trẻ nhất khóa thi năm 1900 (khi mới 19 tuổi), còn để lại nhiều biên khảo về văn hoá, địa dư (được lưu giữ trong Thư viện Hán Nôm). Thân mẫu của bác sĩ  là cụ bà Nguyễn Thị Hân, con gái quan tri phủ Nguyễn Liêm, cháu ngoại của cụ Trần Lưu Huệ là Đông Các Đại học sĩ, Kinh lược sứ Bắc Kỳ, Danh nhân văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gia đình cụ “Tuần Chi”

Biệt thự số 14 Đường Thành gia đình bác sĩ Hoàng Thụy Ba đã ở là của cụ Tuần Chi xây dựng. Kiến trúc ngôi biệt thự thể hiện rõ lối sống của chủ nhân: sinh hoạt tiện nghi kiểu Tây với thẩm mỹ trộn, lai Tây – Tàu: nhà 3 tầng tường bê-tông dày 40cm, bố trí phòng ốc kiểu nhà Tây, cổng trong bằng sắt trổ chữ Thọ, cổng ngoài có 2 cột mang đôi câu đối khảm mảnh sứ đỡ tấm hoành bê-tông trang trí cảnh sơn thuỷ kiểu Tàu với nhiều tượng sứ Tàu, mặt tiền nhà trang trí những miếng gốm màu hoa dây như ở Nhà Hát Lớn và các chữ triện Phúc Lộc Thọ, trong nhà có lò sưởi nhập từ Tây bằng cẩm thạch trắng, có bàn gỗ lim lớn kiểu Tây nhưng mặt bàn khảm 100 chữ Phúc Lộc Thọ các kiểu bằng đồng, có dàn cửa kính màu như trong nhà thờ Tây lại có cửa và bình phong gỗ khảm chữ nho, có bàn thờ đồ sộ sơn son thếp vàng truyền thống nhưng ảnh thờ là ảnh chụp in trên sứ, có bộ sưu tập đồ cổ bằng ngọc, sứ Tàu và trống đồng Lạc Việt…

 

   Cổng căn biệt thự số 14 đường thành – nơi Gia đình BS Hoàng Thụy Ba đã và đang gìn giữ qua bao nhiêu năm 

Cụ ông, cụ bà và phần lớn các con ăn vận theo nam phục, chỉ có hai người con trai lớn học đại học Y và Luật thì mặc âu phục. Gia đình giữ nghiêm nếp nho phong, đáng chú ý là uy quyền và vai trò “nội tướng” của bà chính thất… Các cụ giữ quan hệ rất chặt chẽ với làng quê. Cụ Tuần Chi là nhà bảo trợ lớn của làng Phù Lưu, là người lát đá xanh toàn bộ đường làng, xây cổng làng, cổng đình, nhà thờ hương hiền, đồng thời xây cái lăng lớn với khuôn viên trên 3.000 m2 cho gia tộc Hoàng Thuỵ kiêm luôn chức năng vườn hoa công cộng cho làng (những việc này được kể trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân). Người làng ra Hà Nội nhờ cậy mọi việc đều được giúp đỡ chu đáo. Tuy theo Tây học, trong quan hệ gia đình các ông vẫn giữ nếp gia phong truyền thống. Sự nghiệp công danh không lấn át bổn phận gia đình. Chữ Hiếu vẫn là đầu mọi sự. Điều này thể hiện rõ nhất qua hành động khi BS Hoàng Thụy Ba đang giữ chức Giám đốc Trường Nữ hộ sinh trung cấp liên khu III – IV đóng tại Thanh Hóa được tin mẹ chảy máu não và bị liệt. Khi đó BS Hoàng Thụy Ba đã đề nghị với tổ chức cho ông về Hà Nội để chăm sóc mẹ với nguyện vọng: Mẹ tôi nuôi tôi ăn học từ bé đến lúc tôi được làm bác sĩ thì mẹ tôi lại bị bệnh nặng như thế, tôi rất muốn chăm sóc mẹ vì tôi chưa được chăm sóc mẹ ngày nào, nay xin chính phủ cho tôi về Hà Nội để giữ chữ hiếu.

Được tổ chức đồng ý, ông về Hà Nội chăm sóc mẹ, mở bệnh viện tư nhân là Nhà thương Ngõ Trạm, không phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp đồng thời không nhận bất cứ chức vụ nào do chính quyền Bảo Đại sẵn lòng phong tặng. Năm 1954, từ chối lời mời làm Tổng trưởng Y tế trong chính phủ mới lập của ông Ngô Đình Diệm, ông ở lại Hà Nội đón “Cụ Hồ”. Không những thế, ông còn từ chối lời mời sang Pháp làm việc và sinh sống nếu không muốn vào Sài Gòn. Một người con của bác sĩ Hoàng Thụy Ba kể lại: Năm ấy, tôi nhìn thấy tập vé máy bay 1 chiều sang Pháp để trên nóc lò sưởi. Khi tôi hỏi về những chiếc vé này thì bố tôi cho biết đó là quà tặng của chính phủ Pháp dành cho gia đình tôi nhưng bố tôi không nhận. Sau này những tấm vé ấy đã bị xé đi và quên lãng theo năm tháng. Năm 1955, khi mẹ bác sĩ Ba qua đời ở Sài Gòn, ông đã xin phép chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Nam chịu tang mẹ. Lại một lần nữa ông từ chối lời mời ở lại làm việc cho chính quyền Sài Gòn để trở ra Hà Nội.
Khí tiết chính trực của người tri thức Bắc Hà đã thể hiện rõ nét ở cách hành xử của bác sĩ Hoàng Thụy Ba, trước sau như một, bác sĩ Hoàng Thụy Ba đều từ chối lời mời của chính quyền Bảo Đại và chính quyền Pháp để ở lại nước nhà phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến.

Nếp nhà vẹn tròn
Dòng họ Hoàng đã sinh cho đất nước nhiều tài năng, giữ vai trò như các chuyên gia đầu ngành, nghệ sĩ hàng đầu trong văn nghệ như nhà báo Hoàng Tích Chu, hoạ sĩ Hoàng Tích Chù, nhà văn Hoàng Tích Linh, nhà điện ảnh Hoàng Tích Chỉ… Trong số đó không thể không nhắc đến bác sĩ Hoàng Thụy Ba và các thế hệ nối tiếp ông. Đó là những trí thức chính trực đã và đang cống hiến sự nghiệp của mình cho xã hội. PGS TS Y học Hoàng Văn Sơn, ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Y học Việt Nam, đại diện Hội hóa sinh y học Việt Nam tại Liên đoàn xét nghiệm y học thế giới, là con trai trưởng của BS Hoàng Thụy Ba. PGS TS Hoàng Văn Sơn là người thuộc lớp các bác sĩ ngành xét nghiệm đầu tiên ở Việt Nam. Không chỉ hoạt động ngành y trong nước, ông còn giảng dạy tại một vài nước trên thế giới như: Angiêri, Ý, Phần Lan…  Ông là thành viên của nhiều Hội y học trong và ngoài nước, đã đi báo cáo khoa học tại nhiều hội nghị y học quốc tế. Năm 2002, ông được Liên đoàn Xét nghiệm y học thế giới tặng giải thưởng… Nội tướng của  TS Hoàng Văn Sơn là tiến sĩ Y học Dương Thị Nguyệt Minh.

GS TS Y học Hoàng Văn Minh ngành lao – bệnh phổi là con trai thứ của BS Hoàng Thụy Ba. Người thân trong gia đình GS Hoàng Văn Minh kể lại, ông Minh là người say mê nghiên cứu và viết sách y học, những ngày cuối đời, ông vẫn mang sách vào bệnh viện để hoàn thành nốt những trang viết về y học của mình. Cho tới khi qua đời, GS Hoàng Văn Minh là một trong những tác giả viết sách y học nhiều nhất ở Việt Nam. Trong số những người con trai của BS Hoàng Thụy Ba còn có một người theo đuổi con đường văn chương và cũng thành công trên lĩnh vực này. Đó là  nhà thơ , dịch giả Hoàng Hưng.

Nối tiếp truyền thống của gia đình, các thế hệ sau trong gia đình BS Hoàng Thụy Ba vẫn giữ được cốt cách của người trí thức, đem sự học giúp ích cho đời. Hiện nay, con gái PGS TS Hoàng Văn Sơn là TS Hoàng Thu Hà đang là Chủ nhiệm khoa Hóa sinh bệnh viện Đa khoa Xanh-pôn Hà Nội. TS Hoàng Thu Hà (cháu nội BS Hoàng Thụy Ba) kết hôn cùng PGS TS Đặng Quốc Tuấn – Phó chủ nhiệm bộ môn Cấp cứu hồi sức ĐH Y Hà Nội (cháu nội của BS Đặng Vũ Lạc – cùng với BS Hoàng Thụy Ba là một trong hai BS đầu tiên của ĐH Y Dược Hà Nội). Con trai ông Sơn là Dược sĩ Hoàng Đức Dũng cũng hoạt động trong ngành Dược. Nối nghề của cha, con gái GS TS Hoàng Văn Minh hiện đang là bác sĩ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương cùng chồng là bác sĩ giảng dạy bộ môn Lao và bệnh phổi. Bên cạnh đó, cái tên Hoàng Ly (con gái dịch giả Hoàng Hưng) cũng làm cho giới văn học nghệ thuật biết đến như một tài năng nổi bật về thơ, hội họa và nghệ thuật sắp đặt…

Ba thế hệ trí thức đã sinh ra và lớn lên dưới căn biệt thự số 14 Đường Thành của cụ Tuần Chi. Trong căn biệt thự này khí tiết chính trực của người trí thức đất Bắc Hà đã được gìn giữ và tiếp nối. Nói đến nền nếp trong gia đình, PGS TS Hoàng Văn Sơn (con trai trưởng của BS Hoàng Thụy Ba) chia sẻ: Thời nay, giữ được mới là điều khó, đánh mất là điều dễ. Gia đình tôi, qua bao thăng trầm của thời đại vẫn luôn nhắc nhở con cháu giữ lấy nếp nhà, giữ lấy truyền thống của tổ tiên. Cha tôi (BS Hoàng Thụy Ba) đã dạy cho con cháu bài học về lòng tự trọng, sự chính trực của người tri thức, đặc biệt qua hành động nhiều lần từ chối các điều kiện làm việc tốt từ chính quyền Pháp và chính quyền Bảo Đại. Ngày nay, chúng tôi cũng cố gắng sống và làm việc noi gương ông cha.

Lương Nga
(Tạp chí Y học Cộng đồng số Xuân Ất Mùi – 2015)