Bệnh nhân tiểu đường ở tuổi trung niên có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn(1)

Những người ở tuổi trung niên (40-64 tuổi) xuất hiện bệnh tiểu đường và cao huyết áp có nhiều nguy cơ bị teo não và giảm trí nhớ cũng như khả năng tư duy.

Những năm gần đây các nhà khoa học trên thế giới đểý đến mối liên quan giữa giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy của các bệnh nhân tiểu đường type 2 tiến triển ở tuổi trung niên.

1) Các nhà khoa học tại Bệnh viện Mayo, Mỹ

Nghiên cứu về trí nhớ và các khả năng tư duy của hơn 1.400 người có độ tuổi trung bình 80 bằng các phương pháp chụp cộng hưởng từ não bộ, bộ công cụ đánh giá trí nhớ và khả năng tư duy, phân tích hồ sơ bệnh án xác định lứa tuổi nào bệnh tiểu đường và cao huyết áp xuất hiện.

 

anh minh hoa

(Ảnh minh họa)

Trong 1.400 người có:

– Đối với bệnh tiểu đường: 72 người phát triển ở tuổi trung niên, 142 người trong tuổi già và 1.192 người không có bệnh tiểu đường.

– Đối với cao huyết áp: 449 người phát triển ở tuổi trung niên, 448 người trong tuổi già và 369 người không bị cao huyết áp.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Rosebud Roberts của Bệnh viện Mayo tuyên bố:

– So với những người không bị tiểu đường, người mắc bệnh tiểu đường ở tuổi trung niên có tổng khối lượng não <2,9%, phần hippocampus của não nhỏ hơn 4% và có nguy cơ phát triển chứng mất trí cũng như giảm khả năng tư duy cao gấp 2 lần (hippocampus là một phần của não trước, có ở 2 bên bán cầu đại não có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin, hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian).

– So với những người không có bệnh cao huyết áp, những người phát triển bệnh cao huyết áp ở tuổi trung niên có các khu vực tổn thương não gấp đôi.

– Những người phát triển bệnh tiểu đường ngay cả trong tuổi già cũng có nhiều khả năng có các khu vực tổn thương não.

2) Các nhà khoa học tại Đại học Washington (Seattle), Mỹ

Nghiên cứu về sự liên hệ giữa insulin, đường trong máu và bệnh mất trí nhớ của người già, kết quả cho thấy: Lượng đường trong máu của 1/3 người Mỹ tuổi >60 không đươc điều chỉnh tốt và đây chính là một yếu tố liên quan tới mất trí nhớ. Do đó cải thiện hoạt năng của insulin có lẽ sẽ có hiệu ứng tốt đối với trí nhớ và là một phương hướng điều trị mới trong tương lai cho bệnh nhân tiểu đường type 2.

3) Nhóm nghiên cứu của Đại học Y khoa Charite Berlin, Đức

Tiến sĩ Agnes Floel, đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết:

– Những người có lượng đường trong máu thấp có khả năng đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ. Nghiên cứu được thực hiện với 141 người có độ tuổi trung bình là 63, không bị bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Họ được yêu cầu nhớ lại 15 từ trong vòng 30 phút. Họ được quét não để đo kích thước vùng hippocampus của bộ não, bộ phận có vai trò quan trọng trong trí nhớ. Nghiên cứu cho thấy những người nhớ được ít từ hơn có lượng đường trong máu cao hơn.

– Những người có lượng đường trong máu cao cũng có kích thước vùng hippocampus trong não nhỏ hơn. Tiến sĩ Floel có nhận định: “Những kết quả này cho thấy ngay cả những người có lượng đường trong máu ở mức bình thường, việc làm giảm lượng đường cũng là một phương pháp đầy hứa hẹn để ngăn ngừa việc suy giảm nhận thức và trí nhớ khi lớn tuổi. Chúng ta nên thử nghiệm các chiến lược như giảm lượng calo tiêu thụ và tăng cường hoạt động thể chất”.

4) Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Y học Garvan, Australia cho thấy:

– Bộ não lão hóa dễ dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu tồi tệ hơn, thậm chí trước khi có thể chẩn đoán ra bệnh tiểu đường týp 2.

– Dù thể tích não giảm là chuyện bình thường của quá trình lão hóa nhưng các chuyên gia nhận thấy người cao tuổi có lượng đường trong máu không ổn định và mắc bệnh tiểu đường týp 2 mất thể tích não cao gấp khoảng 2,5 lần trong 2 năm so với người cùng tuổi không bị bệnh tiểu đường.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh ảnh chụp cộng hưởng từ não bộ của 312 đối tượng tham gia từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc 2 năm nghiên cứu. Những người này đều ở độ tuổi từ 70 – 90 và không bị chứng mất trí nhớ. Lúc bắt đầu cuộc nghiên cứu: 41% trong số đó bị tiền tiểu đường và 13% bị tiểu đường týp 2. Khi kết thúc cuộc nghiên cứu, những người tham gia được phân thành 4 nhóm và kết quả ảnh chụp cộng hưởng từ não bộ như sau:

Người có lượng glucose ổn định, bình thường (nhóm 1, với 102 người) mất trung bình 18,4 cm3 tổng dung tích não trong 2 năm.

Người bị tiền tiểu đường ổn định (nhóm 2, với 120người) mất gấp 1,4 lần so với nhóm 1 (26,6 cm 3).

Người có lượng glucose trở nên xấu đi (nhóm 3, với 57người) mất dung tích não gấp 2,3 lần so với nhóm 1(41,7 cm 3). Người bị tiểu đường type 2 từ đầu (nhóm 4, với 33 người) mất dung tích não gấp 2,3 lần so với nhóm 1 (42,3 cm 3). – Nhóm nghiên cứu đề xuất: “Chúng ta cần biết cách ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh tiểu đường đối với bộ não”.

5) Nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Alzheimer, Vương quốc Anh do Tiến sĩ Simon Ridley phụ trách nhậnđịnh: Những nghiên cứu trước đây đã liên kết bệnh tiểu đường type 2 và cao huyết áp làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, nhưng những giải thích cơ bản về liên kết này vẫn chưa thuyết phục đầy đủ, cần phải tiếp tục nghiên cứu để tìm ra cơ chế tác động của bệnh đến não, cũng như để hiểu rõ hơn các yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến nguy cơ sa sút trí tuệ sau này và cách thức để phòng ngừa, ngăn chặn.

Nhiều nghiên cứu khác nữa cũng đều khuyến cáo rằng ở tuổi trung niên có nhiều nguy cơ dẫn đến suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ cho cuộc sống sau này, do vậy cần phải chú ý giữ sức khỏe hơn. Chúng ta có thể giảm những nguy cơ này bằng chế độ ăn, uống cân bằng lành mạnh, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát trọng lượng cơ thể và huyết áp.

Lê Duy Sớm biên dịch và tổng hợp