Bệnh alzheimer: suy giảm chất lượng cuộc sống người cao tuổi

Tuổi càng cao, nhiều chức năng của cơ thể người già càng suy giảm trong đó chủ yếu là hệ thống thần kinh và hệ miễn dịch. Chứng bệnh phổ biến người cao tuổi (NCT) hay mắc phải đó là các bệnh có liên quan đến tim mạch, cơ, xương, khớp, các vấn đề về thần kinh, nổi bật nhất là bệnh Alzheimer hay còn gọi là mất trí nhớ ở NCT.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi vớiTS. BS. Hoàng Thị Bạch Dương– Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Giảm nhẹ Chân trời mới về nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị căn bệnh này.

Xin bác sĩ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về căn bệnh Alzheimer?

Alzheimer là bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi. Tổn thương tế bào thần kinh ở vỏ não và những cấu trúc xung quanh làm sa sút trí nhớ, giảm phối hợp vận động, giảm cảm giác, nhận cảm sai…, cuối cùng là mất trí nhớ và chức năng tâm thần… thường khởi phát ở lứa tuổi trên 65. Tỷ lệ bệnh Alzheimer ở người trên 65 tuổi là khoảng 5% và ở nhóm người trên 85 tuổi là 20%.

Alzheimer là dạng phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ ở NCT. Từ “Alzheimer” và “mất trí nhớ” thường được sử dụng thay thế cho nhau. Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer có những triệu chứng khác nhau và mức độ tiến triển của bệnh ở mỗi bệnh nhân cũng khác nhau. Khả năng sinh hoạt của người bệnh cũng mỗi ngày mỗi khác và ngay cả trong cùng một ngày người bệnh cũng khi này khi khác. Nhưng nói chung một điều chắc chắn là tình trạng của những người mắc bệnh Alzheimer hay các hình thức bệnh mất trí nhớ khác đều ngày càng tệ hơn. Nhiều khi bệnh trở nên trầm trọng nhanh chóng trong vòng chỉ vài tháng, trong khi đó có nhiều trường hợp sau vài năm bệnh mới trở nặng.

Thưa bác sỹ, đâu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này?

Sa sút trí tuệ có thể được gây ra bởi nhiều điều kiện y tế khác nhau, chẳng hạn như chấn thương sọ não nghiêm trọng hoặc đột quỵ nặng. Một số bệnh sa sút trí tuệ khác như Lewy cơ thể mất trí nhớ, chứng mất trí Frontotemporal, sa sút trí tuệ mạch máu và sa sút trí tuệ bệnh Parkinson. Có thể đưa ra những nguyên nhân dẫn đến Alzeimer như sau:

Yếu tố sinh học của não

Nhờ tiến bộ trong lĩnh vực hình ảnh học, người ta đã phát hiện người bị Alzheimer có sự mất tế bào thần kinh và giảm thể tích những vùng não chi phối trí nhớ, vùng đảm nhận tâm thần kinh, sự oxy hóa và đáp ứng viêm.

Yếu tố gene

Các gene đóng vai trò gây khởi phát muộn Alzheimer là ApoE2, ApoE3, ApoE4. Còn những đột biến gene PS1, PS2 hoặc gene kiểm soát APP sẽ làm cho bệnh Alzheimer khởi phát sớm hơn. Giảm hormone sinh dục nữ: Sự giảm estrogen sau mãn kinh có liên quan rõ rệt đến giảm trí nhớ và sa sút tâm thần.

Yếu tố môi trường:

Nhiễm trùng, nhiễm kim loại (người ta phát hiện kẽm, đồng tích tụ trong mô não người bị Alzheimer), môi trường điện từ trường, nhiễm độc… Một số yếu tố khác đã được xác định có liên quan Alzheimer là homocystein, sự thiếu hụt vitamin nhóm B, trầm cảm, chấn thương đầu, nhóm người có điều kiện kinh tế kém và học vấn thấp…

Nhiều người cho rằ̀ng những triệu chứng hay quên, mệt mỏi chỉ là chứng suy giảm trí nhớ thông thường, bởi vậy chỉ uống thuốc mà không biết đó là triệu chứng của bệnh mất trí nhớ, vậy theo bác sĩ để phát hiện bệnh này cần đến những yếu tố gì?

Các biểu hiện chính bao gồm: Quên tên: lãng quên tên (tên bố, mẹ, vợ, con…) lặp đi, lặp lại nhiều lần trong ngày. Cuối cùng là quên tên của mình. Hay ghi chép lặt vặt (tạo tiền đề để nhớ). Tìm mọi cách để phủ nhận những sa sút trí nhớ của mình. Gọi điện cho người thân nhiều lần (gọi xong lại quên, gọi lại). Lẫn lộn các đồ vật, nhầm ngày, tháng, năm. Các triệu chứng toàn phát.

Mất trí nhớ: Là triệu chứng đầu tiên và xuất hiện rất sớm, ngày càng nặng và không hồi phục. Bệnh nhân thường mất trí nhớ gần (quên những sự vật mới xảy ra). Dần dần họ quên ngày, tháng, quên tên vợ con của mình. Khi ra khỏi nhà thì quên đường về, quên rửa mặt, quên cài cúc áo, quên mặt vợ (hoặc chồng) của mình.

Rối loạn ngôn ngữ: Biểu hiện sớm và khó tìm từ để biểu hiện ý tưởng. Họ khó phát âm, nói không trôi chảy sau đó mất ngôn ngữ, nói xong nhưng không hiểu mình vừa nói gì.

Rối loạn phối hợp động tác: Bệnh nhân không chú ý đến trang phục, mặc quần áo rất khó khăn, khó thực hiện được công việc hàng ngày. Bệnh nhân yếu cơ, run, hay bị chuột rút vì vậy ảnh hưởng đến các công việc vệ sinh cá nhân như tắm, rửa, thay quần áo…

Rối loạn chức năng nhận thức: Vì rối loạn trí nhớ và chú ý dẫn đến rối loạn khả năng nhận thức. Người bệnh có rối loạn khả năng định hướng không gian, thời gian, mất khả năng tính toán đơn giản, mất khả năng đánh giá…

Đây là một căn bệnh chưa có thuốc đặc trị, vậy có những phương pháp nào nhằ̀m hạn chế bệnh, thưa bác sỹ?

Các biện pháp chung

Tạo môi trường tâm lý xã hội cho người cao tuổi. Không nên thay đổi chỗ ở, tạo điều kiện cho họ tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, câu lạc bộ người cao tuổi. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, cung cấp đầy đủ các yếu tố vi lượng như canxi, phospho. Tránh lạm dụng rượu, thuốc lá. Điều trị các bệnh mạn tính kết hợp như: bệnh phổi, phế quản, bệnh tim mạch, đái tháo đường….

Điều trị bằng thuốc

Các chất cholinergic: Rivastigmine (exelon) là một chất ức chế men acetylcholinesterase, thuốc có tác dụng chọn lọc trên enzym đích ở hồi hải mã và vỏ não, những vùng này bị ảnh hưởng nhiều nhất trong bệnh Alzheimer. Thuốc exelon nói chung dung nạp tốt, nhưng vẫn có vài tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, chậm nhịp tim.

Ngoài ra, còn sử dụng các thuốc như nivalin, gliatylin cũng cho kết quả khả quan. Các thuốc trên chỉ có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer chứ không điều trị khỏi bệnh.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác đi kèm thì cần điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm (nhóm SSRI) và thuốc an thần (thuốc an thần mới). Việc điều trị này phải do bác sỹ chuyên khoa tâm thần đảm nhiệm. Liều thuốc chỉ dùng bằng 1/3 đến 1/2 liều người lớn thông thường. Khi bệnh nhân có kích động, trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác nặng thì phải nhập viện điều trị.

Phương pháp hạn chế bệnh

Dù nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã cố tìm những biện pháp nhằm giảm nguy cơ của bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả vì nguyên nhân chính yếu gây bệnh chưa được biết đến. Do đó việc phòng ngừa cũng chỉ là hạn chế các yếu tố nguy cơ: Sử dụng liệu pháp hoóc môn thay thế cả ở nam và nữ: Nhiều nghiên cứu trên thế giới cùng ghi nhận kết quả ở phụ nữ dùng liệu pháp thay thế hoóc môn đều giảm được triệu chứng sa sút trí tuệ.

Một số phương pháp, chế độ được áp dụng để hạn chế bệnh như chế độ ăn uống:

Dầu mỡ: Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy có mối liên hệ giữa sa sút trí tuệ và chế độ ăn nhiều mỡ toàn phần, chất béo bão hòa và cholesterol. Tuy nhiên mỡ dạng omega-3 có tác dụng chống lão hóa cho tế bào não. Người ta khuyến cáo năng lượng từ chất béo chỉ nên ở mức dưới dưới 30% tổng nhu cầu hàng ngày.

Rau quả sậm màu: Có tác dụng bảo vệ não chống lại sự lão hóa. Đậu nành: Có chứa một thành phần giống estrogen; trên động vật thí nghiệm cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer. Đậu nành đặc biệt tốt cho phụ nữ sau mãn kinh.

Rượu: Nếu dùng lượng vừa phải (một đến hai ly mỗi ngày) thì có tác dụng tốt bảo vệ não do kích thích phóng thích acetylcholine (chất dẫn truyền thần kinh bị khiếm khuyết trong bệnh Alzheimer). Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều sẽ gây hại, đặc biệt phụ nữ uống rượu sẽ tăng nguy cơ bị ung thư vú và không được dùng khi có thai.

Folate và vitamin B12: Sẽ làm giảm hemocysteine (chất làm tăng nguy cơ Alzheimer và bệnh tim mạch). Vitamin chống oxy hóa: chủ yếu là vitamin E và C, chống sự giải phóng gốc tự do làm tổn thương tế bào.

Tập thể dục: Cho thấy giúp giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer khi nghiên cứu trên số lượng lớn người cao tuổi và trong thời gian dài. Ngoài ra thực hiện phong cách sống một cách lành mạnh cũng là để phòng ngừa bệnh. Những người tham gia vào các hoạt động trí tuệ như đọc sách, chơi trò chơi hội đồng, hoàn thành câu đố ô chữ, chơi nhạc cụ, hoặc tương tác xã hội thường xuyên cho thấy giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Điều này tương thích với các lý thuyết dự trữ nhận thức, trong đó nêu rằng một số kinh nghiệm đời sống cho kết quả hoạt động thần kinh hiệu quả hơn việc cung cấp dự trữ một nhận thức cá nhân trong sự trì hoãn việc khởi đầu của những biểu hiện mất trí nhớ .

Trung tâm Chân trời mới có những nghiên cứu gì để chữa bệnh này? Và những nghiên cứu đó phát triển như thế nào trong tương lai?

Trung tâm đang chăm sóc cho khá nhiều bệnh nhân Alzheimer bao gồm cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Hiện nay TT cũng đang lập hồ sơ chăm sóc và theo dõi tiến triển của bệnh, đồng thời áp dụng các chương trình điều trị gồm: vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, lao động trị liệu để có thể hạn chế sự tiến triển, của bệnh đồng thời phần nào phục hồi chức năng và hoạt động trí não cho bệnh nhân.

Trung tâm đang kết nghĩa với các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và phục hồi chức năng hàng đầu ở Tokyo với sự hỗ trợ chuyên môn của các giáo sư đầu ngành về phục hồi chức năng cho bệnh nhân Alzheimer của Học viện quốc tế về sức khỏe và phúc lợi Nhật Bản.

Xin cảm ơn bác sỹ

Thu Hương thực hiện