Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

Trong 2 ngày 24 và 25/9 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS”.

Mỗi ngày phát hiện 29 người nhiễm HIV

Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, đến nay, Việt Nam có 213.413 người nhiễm HIV. 5 tháng đầu năm 2013, số trường hợp nhiễm HIV và tử vong do AIDS tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2012. Mỗi ngày cả nước phát hiện 29 người nhiễm HIV. Năm 2013, có thêm 14 xã/phường mới phát hiện có người nhiễm HIV. Nhóm có nhiều nguy cơ cao nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam đồng tính bán dâm, khả năng lây nhiễm cho cộng đồng do việc ít sử dụng bao cao su và các biện pháp tình dục an toàn khác.

Theo PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS: “HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. Phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người”.

Các tổ chức xã hội có đóng góp lớn

PGS. TS Bùi Đức Dương khẳng định tại Hội thảo, các tổ chức xã hội đã tham gia phòng, chống HIV/AIDS với các mức độ đóng góp khác nhau tùy thuộc vào chức năng và khả năng của từng tổ chức tập trung vào các hoạt động như truyền thông, dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV, góp phần cùng hệ thống quốc gia cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng, cũng như góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy sự tham gia của các tổ chức xã hội rất cần thiết và đóng vai trò tích cực, nhưng thực tế lại thiếu một khuôn khổ pháp lý nhất quán cho việc đăng ký và quản lý các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và đoàn thể quần chúng; nguồn tài trợ thiếu bền vững, hầu hết phụ thuộc vào tài trợ quốc tế. Hơn nữa, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đang là những rào cản lớn đối với việc cung cấp dịch vụ và sự tham gia có ý nghĩa hơn của người sống với HIV và các nhóm quần thể chính có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong ứng phó quốc gia…

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, công cuộc phòng, chống HIV của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, như chương trình cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị bằng Methanol, hiện có trên 80.000 người được điều trị bằng ARV… điều này góp phần khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV mới, giảm tử vong do AIDS.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS, đó là nguy cơ tăng mạnh về tỷ lệ lây nhiễm ở một số khu vực như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng, khó kiểm soát, nhất là tại những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Bên cạnh đó là thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi nguồn tài trợ đang cạn dần.

Ông Nguyễn Thanh Long khẳng định, sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của các các tổ chức xã hội, trong bối cảnh nguồn tài trợ của nước ngoài trong lĩnh vực này đang bị thu hẹp là hết sức quan trọng.

Các tổ chức xã hội dân sự chính là lực lượng quan trọng, mấu chốt trong các chương trình quốc gia về phòng, chống HIV, AIDS. Đây là kênh hiệu quả và ít tốn kém nhất, giúp Chính phủ đạt được những mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực này./.