MÔ HÌNH BÁC SĨ GIA ĐÌNH: THIẾT THỰC VÀ HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN

Trong giai đoạn 2013 – 2020 Bộ Y tế triển khai đề án Bác sỹ gia đình ( BSGĐ) với mục  tiêu là xây dựng  và phát triển mô hình phòng khám  BSG trong  hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch  vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho  cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Theo quy định của Bộ Y tế, bác sỹ gia đình là bác sỹ đa khoa thực hành có chức năng cơ bản là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp và liên tục cho các thành viên trong hộ gia đình, quản lý, cung cấp toàn bộ các chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ cho các thành viên của hộ gia đình được sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ xã hội khác.

Mô hình phòng khám BSGĐ là cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Quy mô một phòng khám BSGĐ bao phủ một cụm dân cư tối thiểu 500 dân. Trong giai đoạn 2013 – 2020, Bộ Y tế triển khai đề án BSGĐ với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGÐ trong hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Theo đề án, việc xây dựng và phát triển mạng lưới BSGĐ sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, đặc biệt là phòng khám BSGĐ tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình. Theo mô hình này, BSGĐ đảm đương 3 vai trò chính: Khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Họ sẽ khám sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường để tránh trường hợp người dân tự ý chuyển lên tuyến trên điều trị. BSGĐ góp phần giảm bớt gánh nặng về thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, giảm sự quá tải bệnh viện, đồng thời tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân cũng như cho ngành Bảo hiểm y tế…

Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích: “BSGĐ hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về, mang tính nhất thời, còn BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao, bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mạn tính. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình”.

bac si gia dinh

(ảnh minh hoạ)

Đi vào hoạt động hơn một năm qua, Trung tâm BSGĐ Hà Nội (75 Hồ Mễ Trì) là mô hình tư nhân đầu tư, thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý, có lượng khách hàng tăng đều đặn. Mỗi ngày có khoảng 5-10 khách hàng yêu cầu khám tại nhà và hàng tháng đều có thêm các hợp đồng yêu cầu dịch vụ bác sĩ riêng.

Trung tâm phục vụ gần như bao phủ các quận, huyện của Hà Nội, có những khách hàng ở cách trung tâm hơn 20 km. BS Nguyễn Tá Dũng, Giám đốc trung tâm  cho biết,  dịch vụ đăng ký khám tại nhà được lựa chọn nhiều với các trường hợp có bệnh mãn tính: đái tháo đường, xương khớp, người có cơn tăng huyết áp… Riêng đăng ký khám cho bệnh nhi chiếm 50% các khách hàng đăng ký khám tại nhà. “Nhiều trường hợp chúng tôi phải khám trong tình huống bệnh nhân yêu cầu rất gấp gáp như: bệnh nhi sốt cao co giật, ngộ độc thực phẩm, người có cơn tăng huyết áp, hoặc yêu cầu vào lúc đêm hôm, mưa gió, nhưng BS vẫn xác định đáp ứng nhu cầu sớm nhất có thể, trung bình có mặt trong vòng 30 phút sau khi nhận được yêu cầu…”, BS Dũng chia sẻ.

Theo tính toán của một khách hàng có con 3 tuổi, nhà ở quận Hai Bà Trưng, với chi phí 350.000 đồng/lần khám tại nhà là khá phù hợp, vì đến phòng khám tư uy tín cũng mất từ 150.000 – 300.000 đồng/lần, khám chỉ vỏn vẹn trong 5 phút mà chờ đợi có thể cả giờ đồng hồ, chưa kể công đi lại rất vất vả. Tuy nhiên, theo chị Minh Trang (khu đô thị Nhân Chính): “Dịch vụ cần cân nhắc, nên thu phí thấp hơn cho các khách hàng ở gần. Ngoài ra, để phục vụ tốt, cần có đội ngũ bác sĩ có năng lực đồng đều”.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình BSGÐ, đến hết năm 2013, tất cả 24 quận, huyện có phòng khám BSGĐ. Dự kiến năm 2014 thành phố tiếp tục triển khai thêm phòng khám BSGÐ ở 50% số trạm y tế và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2015. Giai đoạn 2016 đến 2020, ngành y tế thành phố tập trung hoàn thiện mạng lưới và mở rộng mô hình BSGÐ đến các phòng khám tư nhân, bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tuyến thành phố và hoàn chỉnh phương thức hoạt động của BSGÐ, để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.

Sau một năm triển khai mô hình Phòng khám BSGÐ, Bệnh viện quận 10 đã tiếp nhận hơn 11 nghìn lượt người bệnh đến khám bệnh, phần lớn là những người mắc các bệnh mạn tính không lây như: hen phế quản, huyết áp, đái tháo đường… Ðáng chú ý, kết quả khảo sát của bệnh viện cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đều đạt hơn 90%. Ðể giúp người bệnh nhanh chóng và thuận lợi khi đến phòng khám BSGÐ, bệnh viện đã tổ chức quy trình khép kín, một chiều từ khâu tiếp nhận đến khám bệnh, thực hiện một số chỉ định lâm sàng, thanh toán viện phí, cấp phát thuốc, lưu trữ hồ sơ bệnh án. Phòng khám BSGÐ của Bệnh viện quận 10 hiện có 24 bác sĩ tham gia, hoạt động khám bệnh với thời gian chín giờ/ngày và làm cả thứ bảy. Tại đây, muốn khám bác sĩ riêng để được theo dõi liên tục, người bệnh chỉ cần gọi điện thoại hẹn trước, đến đúng giờ hẹn. Tại phòng khám, các khâu đóng tiền, xét nghiệm, đến nhận thuốc đều tại chỗ, không phải đi lại nhiều.

Kinh nghiệm triển khai mô hình này tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội  cũng như số liệu của Bộ Y tế cho thấy, phòng khám BSGÐ có thể giải quyết 80% các bệnh lý thông thường. Vì thế, trong hai năm tới, Bộ Y tế thí điểm thành lập ít nhất 80 phòng khám bác sĩ gia đình tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang.

benh vien vinmec

(ảnh minh hoạ)

Sau đó sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. Ba mô hình tổ chức BSGÐ sẽ được thí điểm gồm: Phòng khám BSGÐ tư nhân, phòng khám BSGÐ phối hợp, lồng ghép chức năng tại trạm y tế xã, phòng khám BSGÐ tại khoa khám bệnh của các bệnh viện. Mô hình phòng khám BSGÐ khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động. Hoạt động BSGÐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho người bệnh, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.

Phòng khám BSGÐ được tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh nói chung và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng nếu có đủ điều kiện. Phòng khám có nhiệm vụ thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; tham gia hệ thống chuyển tuyến. Ðáng chú ý, phòng khám BSGÐ là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị… Ðồng thời, tham gia giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong cộng đồng dân cư; các chương trình y tế quốc gia; hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm; quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

Với tình trạng dịch bệnh ở nước ta hiện nay đang đan xen giữa các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, các bệnh viện chưa đáp ứng kịp thì mô hình BSGÐ là rất phù hợp.

 Phương Uyên