Hưởng ứng chủ đề ‘Nhận thức Chứng tự kỷ năm 2015: Việc làm – thế mạnh của người tự kỷ” do Liên Hợp Quốc phát động, các bức tranh, tác phẩm tạo hình của 5 trẻ tự kỷ là các em Nguyễn Trung Hiếu, Hà Đình Chí (Nem), Nguyễn Gia Bảo, Phạm Bình Minh, Trịnh Hoàng Minh đã được trưng bày tại triển lãm “Khác biệt và Tương lai”.
Em Gia Bảo (12 tuổi) đang vẽ chân dung một vị khách đến thưởng thức tranh của các em tại triển lãm
Theo thống kê mới nhất thì Việt Nam hiện có khoảng 200.000 trẻ em tự kỷ. Tính ra, cứ có 166 trẻ em thì có 1 em mắc chứng tự kỷ. Đây là số lượng lớn, đáng báo động, cần được cả xã hội quan tâm và can thiệp sớm. Các tác phẩm của 5 em nhỏ được trưng bày tại triển lãm đại diện cho thế giới trong mắt hàng nghìn các trẻ tự kỷ ở Việt Nam.
Những tác phẩm của 5 em nhỏ tự kỷ phản ánh khách quan nhất sự cảm nhận của các em về thế giới xung quanh mình. Qua đó, các em có thể “trò chuyện” với người xem tranh, xem tác phẩm tạo hình. Không những thế, em Nguyễn Trung Hiếu còn “trò chuyện” với khách mời bằng những giai điệu có cảm xúc phát ra từ cây đàn piano. Hầu hết trẻ tự kỷ đều gặp khó khăn về giao tiếp, nên mỗi em tự lựa chọn cho mình một cách rất riêng để thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình đối với gia đình, bạn bè và thế giới xung quanh.
Trong 5 nhân vật chính của triển lãm, tôi đặc biệt quan tâm đến những tác phẩm nặn bằng giấy của bé Bình Minh (11 tuổi). Tôi gặp em vào buổi sáng ngày 31/5, ngày cuối cùng của triển lãm. Xung quanh em là những mẩu giấy vụn được chính em xé ra từ thùng đựng nước lọc. Không có gì lạ, bởi cách em chọn để giao tiếp với mọi người là dùng đôi tay và giấy để tạo nên những hình khối em đã từng nhìn thấy.
Chia sẻ với bạn bè đến với triển lãm, người thân của Bình Minh cho biết: Em là một cậu bé tự kỷ khá điển hình, không có khả năng giao tiếp với bạn bè cùng lứa, nhiều hành vi. Năm 12 tuổi, ngoài những tiếp xúc hạn chế với thế giới bên ngoài thì em chủ yếu tìm mình trong thế giới của hình khối. Đầu tiên là kéo và giấy. Giấy nào cũng cắt từ giấy văn phòng đến hóa đơn, thậm chí sổ tiết kiệm của bố mẹ lọt vào tay em cũng lập tức trở thành những hình khác nhau. Điều lạ là Minh có tư duy, ước lượng đặc biệt về hình học. Một mẩu giấy con, Minh gấp thành hình nhỏ. Một tờ giấy cỡ A3, Minh cũng làm được một hình đúng như thế, cân đối đến lạ kỳ, không phải đo, vẽ, dùng khuôn.
Mệt mỏi, bố mẹ muốn Minh tham gia vào các hoạt động khác, bố mẹ thu kéo. Từ cắt, Minh chuyển sang xé, vẫn cân đối, vẫn đẹp. Những khối Minh nặn bằng tay cũng rất ấn tượng. Có lẽ Minh có trí nhớ ảnh. Có vật, Minh chỉ nhìn thoáng một lần, về nhà, cả tháng sau Minh vẫn cắt đúng được con vật ấy. Cắt, nặn các hình, các con vật có thể xem như một ngôn ngữ riêng để biểu đạt và phần nào đó là thế giới riêng của Minh… Gia đình Minh có ước muốn Minh sẽ cho ra đời những tác phẩm có ít nhiều giá trị để Minh khẳng định mình đang tồn tại trong thế giới nahan văn. Minh là một thành viên của xã hội này, cộng đồng này. Mong Minh đến được với thế giới theo các riêng của em và thế giới có lý do để nồng nhiệt đón nhận Minh.
Còn đối với Nem (10 tuổi) lại chọn vẽ là công cụ xả ra vô vàn những hình ảnh lộn xộn trong đầu em. Chị Phương (mẹ của Nem) chia sẻ: Năm 2011, có hôm Nem vẽ liên tục 3 tiếng và bỏ ăn trưa. Chị không ép và đế Nem thoải mái để “kể chuyện”. Chị Phương cũng cho biết, trải qua thời gian dài đồng hành cùng con chị cảm thấy về phía các cơ sở y tế công còn chưa thực sự quan tâm tới sự phát triển năng khiếu bẩm sinh của trẻ tự kỷ. Chị nhấn mạnh: “Các con không chỉ cần các loại thuốc vô cảm mà còn phải tìm ra con đường riêng của mỗi trẻ tự kỷ để các con có thể bước tới thế giới nhờ sự giúp đỡ của gia đình và xã hội”.
Triển lãm không chỉ nhằm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà hơn hết nó còn định hướng giáo dục và việc làm tương lai cho nhóm trẻ năng khiếu nghệ thuật; truyền cảm hứng cho các gia đình có con tự kỷ, khuyến khích chú ý, tạo cơ hội và phát huy năng lực của trẻ tự kỷ; thay đổi nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ theo hướng tích cực.
Gia đình nhỏ của chị Thục Anh đến với triển lãm
Rất nhiều người đã tới tham dự triển lãm, lần đầu tiên họ có cơ hội tiếp xúc, khám phá về cuộc sống của trẻ em mắc chứng tự kỷ. Đối với họ, quan trọng hơn hiểu chính là sự cảm thông, đồng cảm đối với các em. Chị Nguyễn Thục Anh chia sẻ: Ngày hôm nay tôi đến đây cùng với chồng đưa con – 16 tháng tuổi đến xem những bức tranh của những con người “đặc biệt” này để con tôi hiểu rằng: “Mỗi em bé đều có khả năng và giá trị riêng của mình”. Tạo hóa đưa các em đến với thế giới và chúng ta – là cha mẹ, là người lớn không chỉ có trách nhiệm yêu thương các em mà còn là người đồng hành, người chỉ đường, hướng dẫn để các em phát huy hết tiềm năng của mình. Mong một thế giới tràn đầy hạnh phúc cho các con”.
Lương Nga
Tạp chí Y học Cộng đồng số Tháng 6/2015