Từ ngày 30/6/2015, tại thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ghi nhận một số trường hợp có biểu hiện sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng…Trong số đó, 3 người đã tử vong. Ngay sau ghi nhận thông tin về các trường hợp có biểu hiện bất thường tại địa phương này, Bộ Y tế đã có công điện chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam triển khai các biện pháp xác định đây là ổ dịch bạch hầu, khẩn trương tiến hành phòng bệnh cho nhân dân địa phương. Đến nay, gần 900 người dân ở vùng ổ dịch bạch hầu đã được tiêm chủng.
Cán bộ y tế tiêm chủng cho người dân xã Phước Lộc (ảnh sưu tầm internet)
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Những biện pháp ứng phó kịp thời của Bộ Y tế
Ổ dịch bạch hầu xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam được xác định là ổ dịch xảy ra ở địa phương hẻo lánh nhất của huyện miền núi Phước Sơn với dân số 845 người, chủ yếu là đồng bào M’Nông, hiện chưa có điện, đường giao thông còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận địa bàn để khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do đồng bào nơi đây còn sống ngoài nương rẫy xa, không tới các điểm tiêm chủng phòng bệnh và khi ốm đau thường tự chữa hoặc mời thầy cúng nên khi địa chính quyền địa phương phát hiện ra dịch bệnh thường người mắc bệnh ở giai đoạn nặng, khó cứu chữa.
Tuy vậy, bằng những hành động thiết thực, Bộ Y tế đã có công điện chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiến hành các biện pháp khống chế dịch và phòng bệnh cho nhân dân trong vùng ổ dịch. Đồng thời Viện Pauster Nha Trang cử đoàn công tác tới hỗ trợ địa phương. Qua điều tra ban đầu, từ ngày 30/6 đến ngày 15/7 ghi nhận 13 trường hợp sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng ở độ tuổi từ 01-45 tuổi. Trong số đó, từ ngày 7-12/7 ghi nhận 3 trường hợp tử vong, 10 người có biểu hiện bệnh còn lại hiện sức khỏe đã ổn định, trong tình trạng phục hồi.
Các trường hợp mắc bệnh tập trung tại 2 thôn 8A và 8B, hầu hết đều có quan hệ gia đình hoặc tiếp xúc gần. Tất cả các trường hợp này đều có tiền sử không tiêm chủng vắc xin từ nhiều năm trước đây. Kết quả xét nghiệm đợt đầu tiên cho thấy có một trường hợp bệnh nhân dương tính với bạch hầu; trong số 3 trường hợp tử vong, một trường hợp không lấy được mẫu xét nghiệm, còn hai trường hợp còn lại cho kết quả âm tính với bạch hầu. Kết quả xét nghiệm khẳng định đây là một ổ dịch bạch hầu. Những trường hợp có biểu hiện triệu chứng tương tự như bạch hầu tại khu vực này đều được nhanh chóng xử lý như những trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Chiều ngày 16/7, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, công bố với báo chí số ca tử vong tại tỉnh Quảng Nam do mắc bệnh viêm bạch hầu vừa qua thuộc hai trong sáu thôn của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam có tỉ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu rất thấp.
Một gia đình có 2 người con chết vì căn bệnh “lạ” được xác định là bạch hầu (ảnh sưu tầm internet)
Để tiến hành thành công các bước khống chế dịch như trên, Sở Y tỉnh Quảng Nam đã tích cực chủ động triển khai các biện pháp bao vây khống chế dịch và cử đội chống dịch cơ động của Trung tâm Y tế dự phòng tình, Trung tâm Y tế huyện Phước Lộc đến từng nhà dân để vận động, điều tra, sớm xác định các trường hợp mắc bệnh và cách ly kịp thời, nhanh chóng xử lý triệt để ổ dịch.
Gần 900 người tại ổ dịch đã được tiêm chủng
Đến nay, toàn bộ khu vực thôn 8A và thôn 8B đã được cách ly, hạn chế người ra, vào vùng dịch , các hộ gia đình và môi trường xung quanh đã được phun chất khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Toàn bộ người dân xã Phước Lộc được cung cấp thuốc kháng sinh để điều trị dự phòng do có hiện tượng người lành mang trùng. Để dự phòng tích cực nhằm không để xảy ra tình trạng tái diễn ổ dịch tại địa bàn xã Phước Lộc, Cục Y tế dự phòng cũng đã làm việc với Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế lập kế hạch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cụ thể chia ra làm 3 nhóm như sau: Trẻ em dưới 12 tháng tuổi tiêm vắc xin Quivaxem (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib; Trẻ từ 1-6 tuổi tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván); Người từ 7 tuổi trở lên tiên vắc xin Td (phòng bệnh uốn ván, bạch hầu).
Đến sáng ngày 28/7/2015, Sở Y tế Quảng Nam đã tổ chức tiêm chủng cho gần 900 người dân ở vùng có ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Chiến dịch tiêm chủng này mang tên xóa thôn trắng về tiêm chủng. Hầu hết người dân đều đến tham gia tiêm chủng đông đủ. Từ sáng sớm, chị Hồ Thị Trường (thôn 8B) dẫn ba con của mình đến điểm tiêm chủng. Chị Trường nói: “Tiêm chủng cho các con xong rồi yên tâm cái bụng, không sợ bệnh tật, chết chóc nữa”.
Dù được cán bộ xã, Sở Y tế vận động tích cực, tuy nhiên còn vài người dân không đưa con mình đến tiêm. Các cán bộ xã phải tới tận nhà vận động bằng được người dân đi tiêm chủng. Ông Nguyễn Đức Toàn – Chủ tịch xã Phước Lộc, cho biết trước đó vài ngày, UBND xã đã cử lực lượng đến các thôn vận động người dân đi tiêm chủng phòng bệnh. Chủ tịch xã Phước Lộc chia sẻ: “Trước đây, người dân rất sợ kim tiêm. Bệnh tật mà không trầm trọng thì ở nhà tự chữa, cúng bái. Nhờ đợt tiêm chủng này, ý thức phòng, chữa bệnh của người dân được nâng cao rõ rệt”.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. 2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. 4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Lịch tiêm chủng vaccine DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi. |
Lương Nga (tổng hợp)