Thiếu nước sạch: tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Những đợt nắng nóng liên tục của mùa hè đang kéo dài liên tiếp cũng là lúc tình trạng thiếu nước sạch diễn ra tại nhiều địa bàn trên cả nước. Đây chính là một trong những lý do khiến cho những dịch bệnh liên quan đến nguồn nước có dịp bùng phát. 

Thiếu nước, mắc bệnh

Nắng nóng kéo dài cộng với tình trạng mất nước trong nhiều ngày đang khiến cho người dân trên địa bàn thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt nghiêm trọng. Phương án duy nhất để khắc phục là sử dụng nước giếng khoan song điều đáng lo ngại là nguồn nước giếng khoan trên địa bàn thị trấn bị nhiễm độc phèn và dầu khá cao. Biết là dùng nguồn nước này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe song người dân ở đây hiện vẫn phải liều dùng để phục vụ nhu cầu tối thiểu của sinh hoạt hàng ngày. Cũng trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, người dân xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An cũng đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.

 

anh minh hoa

(Ảnh minh hoạ)

Ngay tại địa bàn thủ đô Hà Nội, nhiều khu dân cư cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Tại Định Công Thượng (Hoàng Mai – Hà Nội), người dân đang phải chịu cảnh mất nước kéo dài. Nhiều hộ gia đình đã phải mua nước sạch với giá thành lên tới 120.000đ/m3. Không ít hộ gia đình đã chọn phương án thuê thợ về khoan giếng để lấy nước dùng. Tuy nhiên, theo người dân ở khu vực này, nước giếng khoan cũng không thực sự sạch nên hiện tượng dịch bệnh đã xảy ra.

Chị Hoàng Thị Toan (ngõ 205 – Định Công Thượng – Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: “Nước không có mà dùng nên chúng tôi phải tiết kiệm từng ca nước một, tắm cho đứa nhỏ trước, rồi đến đứa thứ hai, cuối cùng mới tới lượt tôi. Mấy bồn nước dự trữ của gia đình cũng chỉ còn nửa khối để dành nấu ăn, uống còn tắm giặt thì tranh thủ lên cơ quan hoặc nhịn tắm”. Tiết kiệm nước trong điều kiện nóng nực, các con chị Hoa đã có hiện tượng nổi mẩn ngứa khiến chị vô cùng lo lắng.

Anh Nguyễn Tất Thắng (tổ 4, Định Công) cho biết thêm: “Trước đây mọi người vẫn dùng nước giếng khoan nhưng sau đó chuyển sang sử dụng nước sạch, bởi vậy giếng và bể lọc bỏ hết, giờ mất nước tôi đành phải mua máy bơm và cát, sỏi về lọc để lấy nước dùng. Khổ nhất là các hộ gia đình thuê nhà ở, không có điều kiện khoan giếng nên con trẻ phải đi ở nhờ hoặc đã bắt đầu phải đi khám, thậm chí nhập viện điều trị vì bệnh ngoài da như ngứa, có đứa đau mắt hoặc bị tiêu chảy”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (khu chung cư Đại Thanh – Ngã tư Cầu Tó – Thanh Trì – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới chuyển đến đây được một năm. Đây là khu chung cư mới khá hiện đại vậy mà trong mấy ngày nắng nóng mất nước liên tục. Tôi dùng nhờ nước giếng của bà con quanh khu được ít ngày thằng con một tuổi bắt đầu nổi lên nhiều nốt đỏ, phồng rộp trên người. Tôi lo lắng mang con đi khám, bác sĩ bảo cháu bị viêm da do sử dụng nước nhiễm bẩn”.

Chú Cao Văn Bách (chồng cô Huyền) cho biết thêm: “Mấy hôm mất nước liên tục tôi phải mua rất nhiều thùng, chậu loại to về để chứa nước dùng tạm, nhưng vẫn không đủ, mua nước ngoài vừa đắt vừa không đảm bảo. Hai đứa trẻ nhà anh Huỳnh Bá Minh ở căn hộ bên cạnh nhà tôi vừa phải nhập viện do cháu bị tiêu chảy”.

Các bệnh liên quan đến nguồn nước và cách phòng tránh

Theo BS.CKI Ngô Cao Lẫm – Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: Thiếu nguồn nước sạch sử dụng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh có liên quan đến nguồn nước phát triển mạnh. Những đối tượng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm chủ yếu là trẻ nhỏ, bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu, mặt khác các bậc cha mẹ chưa có cách phòng ngừa khoa học. Những bệnh có liên quan đến nước như:

Bệnh đường tiêu hóa: với các bệnh như: tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A, bại liệt… bệnh thường xảy ra do người bẩn do phân của người bệnh thải ra ngoài môi trường (không rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau đó cầm thức ăn lên ăn, thức ăn đã bị ruồi, gián, côn trùng động vào, nước uống không được đậy kín…). Sau khi ăn hoặc uống các loại nước đã bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, kí sinh chúng ta sẽ dễ dàng bị mắc bệnh. Tuy nhiên các bệnh này có thể phòng ngừa thông qua việc rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là tiếp xúc với những nơi công cộng, tiếp xúc với người bệnh và sau khi hắt hơi. Nên ăn chín, uống sôi, không nên ăn các thực phẩm ôi thiu. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ gìn nguồn nước sạch sẽ hợp lí, tích cực diệt gián, muỗi, ruồi định kì nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm.

Bệnh giun sán: như giun tóc, giun móc, giun kim, giun đũa thường lây bệnh do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi truyền sang cho người khỏe qua đường ăn, uống bị nhiễm bẩn, chui vào người rồi lây bệnh. Các loại ấu trùng của sán lại theo phân của người bệnh vào nước, hoặc cá ăn ốc đã nhiễm sán, người ăn phải cũng sẽ bị nhiễm sán. Những người hay ăn thịt sống, tái chưa chín hẳn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn những người ăn chín, uống sôi. Để phòng bệnh giun sán chúng ta không nên ăn gỏi cá, thịt động vật bị chết, không cho trẻ nhỏ mặc quần thủng đũng, thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ cho bé sau khi bé tiếp xúc với các đồ vật có nguy cơ nhiễm sán cao và tẩy giun định kì thường xuyên cho bé theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh do muỗi truyền như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… các bệnh này dễ lây lan và bùng phát thành dịch lớn. Nước tích trữ lâu ngày trong các bồn, bể không vệ sinh cũng dẫn đến môi trường cho dịch bệnh do muỗn lây truyền bùng phát. Bên cạnh đó nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, phát quang bụi rậm quanh nhà và thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh; diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt đồng thời lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến; thường xuyên tổng vệ sinh ao tù, nước đọng. Thiếu nước sạch dẫn đến môi trường sống không được vệ sinh là nguyên nhân chính dẫn đến các dịch bệnh do muỗi lây lan.

Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa: Đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể lây truyền sang người khỏe mạnh qua nước. Để phòng tránh các bệnh này cần có nguồn nước sạch sử dụng hàng ngày, đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa, giặt giũ luôn dùng xà phòng và nước sạch; thay quần áo hàng ngày, đặc biệt là quần chíp; mỗi người nên có 1 chiếc khăn mặt riêng, không dùng chung đồ với người bị bệnh, không mặc quần áo ẩm ướt.

 

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế 2013, thiếu nước sạch đang là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam hiện nay, nơi cóđến 20% dân số sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Những năm gần đây có khoảng 6 triệu trường hợp các bệnh truyền qua nước được phát hiện, thiệt hại tài chính lên tới 400 tỷđồng. Con số trên cho thấy, cung cấp nước sạch trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển kinh tế bền vững. Điều đó càng chứng minh một điều rng việc cung cấp nguồn nước sạch cho đời sống sinh hoạt là việc làm cấp bách cần thiết trước mắt của các cơ quan chức năng

 Trà Linh