Phát hiện sớm và can thiệp sớm với trẻ tự kỷ trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hoà nhập xã hội của trẻ, cũng như giảm việc chi trẻ những khoản kinh phí lớn cho can thiệp khi trẻ lớn lên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Minh Xuyến – Phó Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giáo viên trong chữa trị bệnh tự kỷ ở trẻ em. Theo bà, các giáo viên cần phải có tâm, kiên trì và nhẫn nại khi dạy các cháu bị tự kỷ, giúp các cháu dần hoà nhập vào cộng đồng. Hội thảo vừa được tổ chức ngày 3/7 tại Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, cung cấp các kiến thức về phát hiện sớm trẻ tự kỷ tới các giáo viên mầm non và phụ huynh trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đại diện của Đại sứ quán Hoà Kỳ tại Hà Nội, Ông Terry White vui mừng khi là đơn vị tài trợ cho Việt Nam trong dự án “Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng”, một căn bệnh không chỉ Hoa Kỳ mà Việt Nam cũng đang phải đối mặt. Dự án sẽ giúp trẻ em Việt Nam có cơ hội hoà nhập với cộng đồng và trở thành công dân có ích cho xã hội. Suốt 35 năm qua, Hoa Kỳ luôn nỗ lực nghiên cứu và tìm các phương pháp để chữa trị bệnh tự kỷ và Hoa Kỳ luôn sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết, những phương pháp chữa trị bệnh tự kỷ ở trẻ em cho Việt Nam. Ông rất vui khi cách đây hai ngày, Chính phủ Việt Nam chính thức công nhận cho phép thành lập Câu lạc bộ Hà Nội của cựu du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông hy vọng Hội sẽ có đóng góp tích cực cho hoạt động phát hiện sớm trẻ tự kỷ.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Nha Trang, thạc sỹ giáo dục đặc biệt, chủ nhiệm dự án trình bày những hướng dẫn phát hiện sớm trẻ tự kỷ. Trước hết, rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một khuyết tật phát triển được hình thành bởi những sự khác biệt trong não bộ. Những nhà khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân của những khác biệt này là gì trong tất cả các trường hợp mắc tự kỷ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh tự kỷ, tuy nhiên hầu hết vẫn chưa rõ đó là những nguyên nhân nào. Tự kỷ bao gồm nhiều dạng khác nhau, và những dạng này được chẩn đoán riêng biệt với nhau: tự kỷ, rối loạn phát triển lan toả – không điển hình (PĐ-NOS), và hội chứng Asperger.
Những dạng tự kỷ khác nhau được xếp vào nhóm rối loạn phổ tự kỷ. Một trong những dấu hiệu sớm như: không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương từ lúc 6 tháng tuổi trở đi; không phát hiện ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt khi 9 tháng tuổi; không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi; tránh giao tiếp mắt và muốn ở một mình; có những phản ứng bất thường với âm thanh, mùi vị, cảm nhận, hoặc hình ảnh của đồ vật, mất đi kỹ năng đã có (lời nói, kỹ năng xã hội) ở bất kỳ độ tuổi nào… nếu trẻ có các biểu hiện như vậy cần đưa bé tới bác sỹ nhi để được đánh giá.
Bà Trang cũng cho biết ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ tự kỷ trong toàn quốc. Tuy nhiên tỷ lệ tự kỷ của Việt Nam tăng nhanh trong một số năm gần đây. Một số nghiên cứu ở các Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ ra tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh. Cụ thể:
Nghiên cứ mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007: Số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000; xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 đến 2007 so với năm 2000.
Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM: số trẻ điều trị tự kỷ trong bệnh viện tăng nhanh. Năm 2000 (2 trẻ), 2004 (170 trẻ), 2008 (324 trẻ).
Vậy chúng ta cần phải làm gì khi thấy những dấu hiệu sớm của trẻ tự kỷ, bà Trang chia sẻ: Sử dụng những kiến thức về dấu hiệu sớm; sử dụng bảng M-chát; trao đổi với nhà chuyên môn; trao đổi với phụ huynh; giới thiệu trẻ đi khám chuyên sâu. Đặc biệt là cần trao đổi với phụ huynh, đưa ra lời khuyên sớm nhất có thể, không gắn mác, chụp mũ, phải nhấn mạnh đây là điều bạn lo lắng và chỉ có nhà chuyên môn mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Để trị liệu cho trẻ bị tự kỷ, ông Peter C.Hunt đến từ Canada, gia đình một bệnh nhân tự kỷ đã chia sẻ một vài liệu pháp. Ông Peter cho biết, từ khi biết cháu mình mắc chứng bệnh tự kỷ, ông tìm kiếm tất cả các nguồn thông tin từ mạng internet, ông gặp các bác sĩ khắp nơi để biết sâu hơn về căn bệnh này. Qua quá trình tìm hiểu đó, ông được biết những đứa trẻ tự kỷ có hàm lượng thuỷ ngân, chì rất cao trong máu và để trẻ khỏi bệnh điều đầu tiên cần là phải loại bỏ thuỷ ngân và chì trong máu. Thứ hai là cần phải bổ sung vitamin, khoáng chất vào trong dạ dày. Hai cách chữa trị này đã thu được một số kết quả khả quan. 3 năm trước ở Hà Nội, ông Peter cũng đã giúp một bé gái bị tự kỷ, hiện nay bé đã khỏi bệnh và bắt đầu đi học. Ở Việt Nam tôi thấy trường Mầm non New Star có phương pháp trị liệu cho trẻ mắc bệnh tự kỷ khá tốt.
Tại buổi Hội thảo, nhiều giáo viên mầm non đã chia sẻ những khó khăn khi dạy các cháu mắc bệnh tự kỷ như: hiểu biết của các cô về bệnh tự kỷ ở trẻ còn rất hạn chế; sỹ số lớp đông nên sự hiểu biết của các cô về trẻ rất ít; khi trao đổi với phụ huynh rất khó khăn trong việc hợp tác… TS. Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã chia sẻ với các cô giáo một số các biện pháp dạy trẻ mắc bệnh tự kỷ, các cô cần tìm hiểu thêm từ phụ huynh thông tin về trẻ, kết hợp chữa trị ở cả nhà và trường, đối chiếu những thông tin đó với sự phát triển hiện tại của trẻ, hướng dẫn và tạo cho trẻ cảm giác an toàn, hỗ trợ trẻ bằng các bạn đồng lứa, cần tham dự các khoá học bồi dưỡng, các buổi hội thảo cho trẻ mắc bệnh tự kỷ….
Hội thảo đã đề cập đến những vấn đề trọng tâm của hội chứng tự kỷ, bằng sự khái quát của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu.
Hội thảo “Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng” tổ chức ngày 3/7/2014 tại Phòng Giáo dục quận cầu Giấy, Hà Nội. Hội thảo được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoà Kỳ phối hợp Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy và Trung tâm Can thiệp sớm trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Trường mầm non Ngôi Sao Sáng. Đến dự Hội thảo có sự tham gia của đại diện Phòng Giáo dục quận Cầu giấy, Đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, Ban giám hiệu, tổ trưởng tổ chuyên môn khối nhà trẻ, mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn của 41 trường mầm non, đại diện Bệnh viện Nhi Hà Nội và các cơ quan báo chí. |
Thủy – Trang