Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo số bệnh nhân lao và số quốc gia có bệnh nhân lao đa kháng thuốc ngày một tăng
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khoẻ của người bệnh, khả năng lây lan ra cộng đồng lớn. Bệnh lây qua đường không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người, không miễn trừ ai. Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.
(Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2013 có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao, 12 triệu người hiện mắc lao, 8,6 triệu người mới mắc lao, 13% bệnh nhân lao có HIV dương tính. Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, ước số bệnh nhân lao tử vong là 5.000 người/ngày, khoảng 2 triệu người/năm.
Theo thống kê của Hội lao và bệnh phổi Việt Nam năm 2013, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân cao nhất trên thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao. Người mắc bệnh lao hàng năm khoảng 170.000 người, số mắc mới tới 130.000 trường hợp, có đến 18.000 bệnh nhân lao tử vong hàng năm (bình quân cứ 1 giờ có 2 người chết vì bệnh lao, cao gần gấp 2 lần số người chết do tai nạn giao thông).
Những năm gần đây, cộng đồng thế giới thỏa mãn với kết quả phòng, chốnglao, chủ quan, thiếu quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực này, nhiều bệnh nhân chưa được chẩn đoán phát hiện và điều trị kịp thời, không ít bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị, hoặc điều trị không đạt chuẩn, … Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân lao đa kháng thuốc là do 1 vi khuẩn bị điều trị thuốc quá lâu, nên nó dẫn đến kháng thuốc, nguyên nhân thứ hai là do người bệnh điều trị không đầy đủ, điều trị dở xong bỏ, do thầy thuốc kê đơn không đúng cách, làm vi khuẩn không bị diệt, giúp nó có sức đề kháng cao với thuốc.
Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biễn phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2012 có 69 quốc gia báo cáo xuất hiện lao đa kháng thuốc, ước toàn cầu mỗi năm có khoảng 500.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới, tuy nhiên, chỉ có gần ¼ số này được chẩn đoán, số còn lại không được chẩn đoán, chủ yếu họ không được tiếp cận đến các các dịch vụ chẩn đoán thích hợp.
Việt Nam có khoảng 3.500 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Trong khi đó, các cơ sở điều trị mới quản lý được khoảng 1.000 bệnh nhân trong diện này (trong đó 1/3 số bệnh nhân lao đang được quản lý nhờ các thuốc viện trợ từ quốc tế), còn 2/3 số đó chưa được phát hiện và chưa được quản lý. Nhiều vi khuẩn lao kháng những thuốc mạnh nhất, có hiệu lực nhất hiện nay. Bênsoát lao kháng thuốc còn thấp (25% năm 2013) và nguồn lực cho lao đa kháng thuốc hoàn toàn từ ngân sách viện trợ. Nếu không có biện pháp đối phó kịp thời với tình trạng này thì thời gian tới, số người chết vì bệnh lao sẽ không dừng lại ở con số 18.000 người mỗi năm như hiện nay.
Thuốc điều trị lao theo phác đồ cũ có từ 5-8 loại thuốc, trong đó có 2 loại thuốc mới nhất cũng đã có từ 40 năm nay, bệnh nhân phải điều trị liên tục 6-9 tháng với chi phí 30$/bệnh nhân. Phác đồ và thuốc chữa lao cũ không có tác dụng với bệnh nhân lao đa kháng thuốc.
Điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc theo phác đồ cũ có thể phải kéo dài 2 năm, bệnh nhân phải uống 10.000 viên thuốc các loại trong 2 năm và tiêm hàng ngày trong 8 tháng liên tục. Song, có nhiều bệnh nhân không những không khỏi bệnh mà còn phải chịu tác dụng phụ nặng nề của thuốc, như nôn triền miên và điếc… Ví dụ, trường hợp điều trị lao đa kháng thuốc cho một bé gái vùng Trung Á do Tổ chức Thầy thuốc Không biên giới kể lại: “Chúng tôi đã dùng tất cả các loại thuốc và khả năng mà chúng tôi có, gồm 7 loại thuốc mỗi ngày liên tục ròng rã suốt năm trời để chạy chữa cho bé gái. Cuối cùng, cô bé đáng thương không những không khỏi bệnh mà còn bị tác dụng phụ của thuốc là điếc và suốt ngày nôn”.
Lao đa kháng thuốc là vấn đề toàn cầu, để giải quyết có hiệu quả mọi cộng đồng thế giới đều có trách nhiệm, không phải chỉ có các tổ chức của Liên Hợp quốc, mà còn có sự tham gia của chính quyền các quốc gia, các công ty dược, các viện nghiên cứu, mọi người dân và đặc biệt là bệnh nhân lao, với tinh thần: “Giúp một người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình – Phát hiện được một người mắc lao là cứu sống một người và phòng cho 10 người”.
Cách đây 5 năm, Dự án Mở rộng tiếp cận chẩn đoán mới về bệnh lao(EXPAND-TB) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành phương pháp chẩn đoán và điều trị lao đa kháng thuốc mới tại 27 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Xét nghiệm chẩn đoán truyền thống có thể mất hơn hai tháng để có được kết quả, công nghệ mới chẩn đoán lao và lao kháng thuốc chỉ trong 2 giờ với độ chính xác cao. Thuốc mới điều trị lao đa kháng thuốc có hiệu quả với thời gian có thể rút ngắn từ 3 đến 4 tháng. Năm 2008, năm trước của Dự án, tại 27 quốc gia này chỉ phát hiện được 10.000 bệnh nhân lao đa khángthuốc, năm 2012 Dự án phát hiện con số này cao gấp 3 lần và có hàng chục ngàn bệnh nhân lao đa kháng thuốc đã được điều trị khỏi nhờ vào công cụ chẩn đoán và thuốc mới. Tổ chức Y tế Thế giới cũng hy vọng sẽ có vắc xin phòng lao hiệu quả hơn vào năm 2018.
Dự án EXPAND-TB đảm bảo chẩn đoán nhanh, chính xác, bệnh nhân được điều trị với phác đồ hiệu quả và chất lượng. Thông qua nhu cầu, dự án đã giúp làm giảm 1/3 giá thành của các loại thuốc và phác đồ điều trị lao kháng đa thuốc. Chi phí cho hóa chất chẩn đoán cũng giảm theo.
Tại Việt Nam, với tinh thần này, Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra:
– Mục tiêu đến năm 2020: Giảm chỉ số người mắc lao trong cộng đồng xuống <131/100.000 người dân, giảm số người chết do lao xuống <10/100.000 người dân và khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc xuống <5% trong tổng số bệnh nhân lao mới phát hiện.
– Tầm nhìn đến năm 2030: Giảm chỉ số người mắc lao trong cộng đồng xuống <20/100.000 người dân, hướng tới người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. n
Lê Duy Sớm
biên dịch và tổng hợp
(1) Nguồn: – Báo cáo tổng kết hoạt động chương trình chống lao năm 2013 và phương hướng hoạt động năm 2014, Bộ Y tế, tháng 3-2014
– https://www.voanews.com/ content/tb-new-face-old-disease- 19mar14/1874664.html
– https://learningenglish.voanews. com/content/what-happens-when-tb-becomes-untreatable- 138477929/115411.html
– https://www.voanews.com/content/ new-diagnostic-tools-help-people-with-mdr-tb-get-treatment/1875652.html