Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của nhân loại, ngay từ xa xưa con người đã sử dụng cây cỏ, thực vật để làm lương thực và thuốc chữa bệnh. Trung hoa cổ đại chính là cái nôi của các phương pháp chữa bệnh như châm cứu, bắt mạch, bốc thuốc… mà ngày nay chúng ta gọi chung là Đông y. Ở nước ta nói riêng và các nước phương Đông nói chung, Đông y phát triển và đóng vị thế quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển lớn mạnh với những thành tựu tuyệt vời của y học hiện đại đã khiến Đông y dần dần bị yếu thế. Phát triển một nền Y học cổ truyền theo hướng hiện đại hóa, hướng tới sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ đã được chỉ đạo rất cụ thể trong các chỉ thị của Ban Bí thư và Bộ Y tế.
Hành lang pháp lý
Trên cơ sở hành lang pháp lý của chỉ thị số 24/CT-TW, ngày 10/1/2014 Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 01/2014 Quy định về việc tổ chức khoa y, dược cổ truyền trong bệnh viện.
Theo đó bệnh viện có quy mô từ 120 giường bệnh nội trú trở lên phải thành lập khoa Y, dược cổ truyền, tối thiểu có 10 giường bệnh nội trú; Bệnh viện quy mô dưới 120 giường bệnh nội trú phải thành lập khoa Y, dược cổ truyền hoặc liên khoa có bộ phận y dược cổ truyền, tối thiểu có 5 giường bệnh nội trú.
Khoa Y, dược cổ truyền có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú; tham mưu cho giám đốc bệnh viện xây dựng quy chế phối hợp với khoa, phòng chức năng để triển khai kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh; là đầu mối triển khai kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; triển khai thực hiện quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật về y học cổ truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; sử dụng các phương pháp kỹ thuật cận lâm sàng và trang thiết bị y tế của y học hiện đại để khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
Trong công tác dược khoa Y, dược cổ truyền có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lập dự trù hằng năm về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nhằm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của khoa; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại khoa và khoa khác trong bệnh viện; tham gia Hội đồng thuốc và điều trị của Bệnh viện; hội đồng kiểm nhập dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; thực hiện các quy định về công tác dược bệnh viện; tổ chức sơ chế, bào chế dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, sắc thuốc; tổ chức bào chế thuốc đông y, thuốc từ dược liệu khi có đủ điều kiện theo qui định của pháp luật về dược; bảo đảm đủ số lượng và chất lượng thuốc điều trị. Ngoài ra, khoa y, dược trong các bệnh viện còn có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tham gia giảng dạy về y, dược cổ truyền…
Kết hợp hiệu quả
Trong công tác kết hợp giữa đông y và tây y trong điều trị bệnh, các bác sĩ đông y đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa ra các phương pháp kết hợp hiệu quả nhất nhằm mang lại lợi ích, sức khỏe cho người dân, đặc biệt trong việc điều trị bệnh ung thư, tiểu đường hay một số các bệnh lý khác.
BS. Quan Vân Hùng (người nghiên cứu và đưa phương pháp 4 T vào ứng dụng) – Viện Y học Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ung thư là một bệnh lý đặc biệt. Y học hiện đại đã có những thành công trong việc tiêu diệt các tế bào ác tính bằng những “vũ khí” hạng nặng như: phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị, xạ trị… Tuy nhiên, sau khi sử dụng những “vũ khí” hiện đại trên để tiêu diệt kẻ thù thì “quân ta” cũng bị tổn thất không nhỏ, nhiều tế bào, mô, bộ phận khác của người bệnh cũng bị ảnh hưởng, khiến người bệnh có cảm giác đuối sức, ói mửa, mất ăn, mất ngủ, suy kiệt… Vì vậy, phải có một cơ chế “hậu chiến”. Vấn đề là người thầy thuốc phải nỗ lực giúp cho người bệnh thổi lên ngọn lửa từ đám tro tàn. Thầy thuốc “mát tay” sẽ giúp cho tinh thần bệnh nhân được cải thiện, sức khỏe cải thiện hơn, khối u bị ức chế một phần cũng bớt tàn phá cơ thể, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn có thể cầm cự được với bệnh. Ý nghĩa cuộc sống đôi lúc không phải chỉ đo bằng khoảng thời gian dài hay ngắn mà nó lại nằm ở chất lượng sống. Và đó là điều mà người thầy thuốc đang cố gắng chuyển cho người bệnh. Liệu pháp 4T gồm: Tâm lý – Thực phẩm – Thể thao – Thuốc. Tạo tâm lý thoải mái, bớt lo âu, căng thẳng, không sợ hãi cho người bệnh. Người bệnh có chế độ ăn – thực phẩm phù hợp, kiêng một số thức ăn, uống có hại cho cơ thể; ăn một số thực phẩm chống ung thư và bồi dưỡng sức khỏe. Người bệnh được tập dưỡng sinh, đi bộ, thái cực quyền… Thuốc: kết hợp Đông Tây y, châm cứu, bấm huyệt).
BS. Trần Tuấn Khanh, Trưởng khoa Nội II, Viện Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “hiện mỗi ngày, khoa có khoảng 70 bệnh nhân, dùng phương pháp điều trị nào cũng có ưu khuyết điểm, người bệnh cần tư vấn của bác sĩ, có thể điều trị Tây-Đông y phối hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Trong những trường hợp bệnh tiến triển vào giai đoạn cuối không thể sử dụng “vũ khí” hạng nặng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì y học cổ truyền có thể giúp kéo dài cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vẫn còn nhiều thách thức
Đánh giá vấn đề này, PGS.TS.Đỗ Thị Phương – Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng: Kết hợp đông – tây y là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thể chế hóa bằng nhiều các chỉ thị, thông tư cũng như hướng dẫn của các cơ quan ban ngành, các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, mặc dù sau nhiều năm triển khai kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng. Trong bản báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện chủ trương hiện chủ trương này đa phần các tiêu chí đặt ra không thực hiện được và gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế, trong đó có thể chỉ ra một vài nguyên nhân khiến người dân vẫn còn “thờ ơ” với Đông Y như sau:
Thứ nhất: Dưới góc độ của người dân, có thể nói y học cổ truyền đã có từ rất lâu đời trong nhân dân, người dân trước đây chỉ biết đến thuốc đông y và đông y chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống. Một phần vì những vị thuốc này dễ kiếm, dễ trồng và giá thành lại rất rẻ, đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn khó khăn hoặc trong giai đoạn chiến tranh vai trò của đông y thực sự phát huy thế mạnh. Tuy nhiên sau khi đất nước mở cửa với sự hội nhập mạnh mẽ và phát triển nhanh chóng của tây y, vai trò của đông y dần dần bị lu mờ hơn. Bên cạnh đó tây y có một sức mạnh rất lớn về mặt giải quyết nhanh tình trạng bệnh tật, vấn đề này đông y không đáp ứng được. Vì vậy, người dân nhận thức rằng tây y có thể chữa bệnh tốt hơn, nhanh hơn còn đông y vì phải có thời gian, chữa bệnh một cách kiên trì và thực sự an toàn cho người bệnh nhưng trong nhịp sống hiện đại người ta đã nhìn nhận đông y theo một cách sai lệnh hơn. Xu hướng thành thị hóa cũng khiến không ít đồng bào vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số không có ý thức gìn giữ và lưu truyền những bài thuốc dân gian có giá trị nên có những bài thuốc đông y quý hiếm sẽ dần dần bị mai một đi.
Thứ hai: Mặc dù các loại dược liệu trong đông y đã được đầu tư để cải tiến hình thức nhưng việc sử dụng các loại dược liệu, thuốc đông y vẫn còn nhiều những hạn chế, rườm rà. Đa phần khi sử dụng đông y phải thực hiện việc sao, sắc, đun nấu có một số sản phẩm, vị thuốc được bào chế bằng viên nang, tễ nhưng chưa nhiều và sử dụng với liều lượng lớn. Trong khi tây y rất thuận tiện trong vấn đề sử dụng.
Thứ ba: Dưới góc độ các nhà hoạch định chính sách, hiện nay bảo hiểm y tế chi trả cho danh mục thuốc tây y nhiều hơn rất nhiều so với danh mục các loại thuốc đông y được hưởng chế độ bảo hiểm. Các nhà hoạch định chính sách, bảo hiểm cũng cần phải thay đổi cách nhìn nhận để tạo ra sự công bằng cho đông y, giúp đông y có điều kiện phát triển hơn. Người dân đôi lúc vẫn muốn điều trị theo đông y nhưng họ không được chi trả theo chế độ bảo hiểm dẫn đến còn nhiều e ngại.
Thứ tư: Dưới góc độ là thầy thuốc phải đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu, việc kết hợp giữa đông – tây y phải được xem như đôi bàn tay trên cơ thể con người mà một tay nào đó khiếm khuyết thì vấn đề điều trị vẫn chưa được xem là hoàn hảo. Tây y có tác dụng chữa bệnh nhanh nhưng Đông y có các liệu pháp an toàn làm giảm nguy cơ các biến chứng và tăng cường sức đề kháng mạnh mẽ cho cơ thể người bệnh. Người thầy thuốc khi thăm khám cho bệnh nhân cần có những tư vấn đúng đắn cho người bệnh, tránh vì những lợi ích, lợi nhuận trước mắt mà quên đi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.
Vân Lam
Tạp chí Y học Cộng đồng số 6/2014