Bệnh lao vẫn đã và đang là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong cao ở trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có thêm khoảng 9 triệu người mắc lao mới và 2 triệu người chết do lao.
Ở nước ta, bệnh lao còn phổ biến và ở mức độ trung bình cao, Việt Nam đứng thứ 13 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên toàn cầu. Trong khu vực Tây-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung quốc và Philipinnes về số lượng bệnh nhân lao lưu hành cũng như bệnh nhân lao mới xuất hiện hàng năm. Tại nước ta mỗi năm có thêm khoảng 130.000 người bị lao và có 20.000 – 30.000 người chết vì lao.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tiến đang chăm sóc bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh lao
Bệnh lao không từ một ai, nhưng tỉ lệ người cao tuổi mắc lao thường cao hơn do đối tượng này có sức đề kháng kém và thường mắc kết hợp nhiều bệnh mạn tính. Lao phổi ở người cao tuổi thường đi kèm theo những bệnh khác của tuổi già làm cho việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn.
Người cao tuổi với sức đề kháng giảm nên các vi trùng lao bị nhiễm từ lúc trẻ sau nhiều chục năm ở trạng thái ngủ nhân một cơ hội thuận lợi hoạt động trở lại gây ra bệnh lao ( tái hoạt động nội lai). Do bị nhiều bệnh mãn tính nên người cao tuổi thường xuyên đến các bệnh viện, trung tâm y tế, nên cũng thường tiếp xúc với các bệnh nhân khác, do đó cũng dễ bị lây nhiễm ( tái nhiễm ngoại lai).
Biểu hiện lao phổi ở người cao tuổi thường âm thầm, các triệu chứng thường gặp của bệnh lao như: ho khạc đờm, sút cân, mệt mỏi, sốt về chiều, thường bị che lấp bởi các tình trạng bệnh lý khác của người già, sốt ít khi cao và người bệnh có thể không nhận ra, cũng có thể gặp tình trạng ra mồ hôi về đêm ( mồ hôi trộm) và ho ra máu thì ít khi gặp.
Chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn; X-quang phổi thường không điển hình do chồng chéo cũng như dễ nhầm với nhiều bệnh phổi mãn tính khác ở người cao tuổi như viêm phế quản mạn tính, xơ phổi, giãn phế quản và đặc biệt là viêm phổi ở người già.
Người cao tuổi có thể kèm theo các bệnh nội khoa làm cho lao phổi nặng thêm và khó điều trị, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường gây suy giảm miễn dịch tế bào nên dễ mắc bệnh lao và để điều trị lao tốt phải giữ đường huyết ở mức ổn định thường xuyên.Mặt khác, người cao tuổi thường hay đau xương khớp do đó thường dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài loại thuốccó chứa corticosteroid như: prednisolon, dexamethason, hydrocortison… sẽ bị giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh lao. Vì vậy, không nên tự ý dùng các loại thuốc corticosteroid. Khi sử dụng corticoid phải thận trọng theo dõi các phản ứng có hại và nhanh chóng báo cho thầy thuốc biết.
Trong quá trình điều trị bệnh lao phổi ở người cao tuổi cần lưu ý: bệnh lao phổi là bệnh lây theo đường hô hấp có tính lây lan cao, vi trùng trong đờm càng nhiều thì tính lây lan càng cao. Do vậy, trong vòng 2 tháng đầu điều trị, người bệnh cần chủ động phòng tránh lây lan cho người thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc thân mật, nhất là với trẻ em vì trẻ rất dễ bị nhiễm vi trùng lao.
Mặt khác, gia đình người thân cũng cần giải thích động viên đồng thời khéo léo giúp người bệnh không mặc cảm vì sinh hoạt tạm thời cách ly, tình trạng này sẽ giảm dần sau khoảng 1 tháng điều trị thuốc kháng lao. Khi vi trùng lao trong đờm không còn nữa thì bệnh nhân có thể dùng thuốc ngoại trú tại nhà, nghỉ ngơi và sinh hoạt lại bình thường với gia đình…
Hiện nay, có 5 loại thuốc chống lao chủ yếu thường được dùng trong điều trị bệnh lao là Streptomycin, Rifapicin, Isoniazide, Pyrazamid và Ethambutol. Tùy theo thể bệnh, mức độ bệnh và tình trạng bệnh kết hợp mà người bị lao sẽ được dùng phối hợp các loại thuốc này theo công thức thống nhất của chương trình chống lao quốc gia, với nguyên tắc dùng thuốc “ Đúng, đều và đủ thời gian”.
Nếu bệnh nhân dùng thuốc không đủ liều, hoặc thường xuyên quên uống thuốc, uống không đủ thời gian sẽ dẫn đến hiện tượng bị kháng thuốc và khi đó việc điều trị lao sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh lao cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều chất đạm, hạn chế căng thẳng về tinh thần, tránh thức khuya dậy sớm. Cần đặc biệt chú ý khi điều trị lao ở người già cần theo rõi tình trạng dị ứng thuốc, nhiễm độc gan thận cũng như kiểm soát tốt các bệnh mạn tính kết hợp.
PGS. TS Nguyễn Đình Tiến
Tạp chí Y học Cộng đồng số Tháng 5/2015