Khi đi tàu, xe rất nhiều người có cảm giác nôn nao, chóng mặt, buồn nôn, cồn cào ruột gan rất khó chịu… đó là hiện tượng say xe. Nhiều người vì việc này mà ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc nếu phải đi xa. Do đó họ thường sử dụng thuốc chống say xe để làm giảm cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Nhưng liệu cách sử dụng thuốc chống say có thực sự an toàn và hiệu quả.
Thuốc say xe:
Dùng thuốc say xe là một giải pháp nhanh chóng giúp những người bị mắc chứng say tàu, xe có cảm giác thoải mái khi đi xe ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay, tránh hiện tượng buồn ngủ, buồn nôn trong suốt chuyến đi. Không mất nhiều thời gian và tiền bạc, ai cũng có thể mua được một liều thuốc để chống say xe.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc uống như Dimenhydrinate, Vomina 50, Cinnarizine, nhóm thuốc kháng sinh Histamin H1, nhưng thông thường dùng các thuốc đường uống gồm: Thuốc uống Aeron, Scopolamin, Antivert, dramamine Drolessrowsy, Nautamine; thuốc sủi Motilium, Peridys; thuốc dán trên da Transderms Scop; thuốc tiêm: Benadrylinjection… Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp tai biến khi sử dụng thuốc chống say tàu, xe, nhất là với trẻ em và người có bệnh gan, thận, huyết áp, thần kinh…
Theo chị Đặng Thị Xuân (phố Tía, Thường Tín, Hà Nội): “Vì bị say xe nên mỗi lần phải đi đây đi đó chị thường mua rất nhiều loại thuốc chống say khác nhau để loại bỏ cảm giác sợ khi đi xe. Khi phải đi công tác xa do tình thế bắt buộc chị đành phải dùng thuốc chống say tàu xe cho nhanh dứt cơn buồn nôn, khó chịu”. Chị Nguyễn Minh Lý (phố Nghệ, Phú Xuyên, Hà Nội) thì bị say xe đã thành bệnh: “Tôi bị say xe ngay khi còn bé, cứ leo lên xe hơi là mặt mày xây xẩm, ruột gan vặn từng cơn, nôn thốc nôn tháo. Vì vậy trong túi xách của tôi luôn có thuốc chống say”. Lạm dụng thuốc say xe bởi thường xuyên đi công tác, cô Phạm Thị Thu (Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường hay uống thuốc chống say Nautamine vì tôi rất hay bị say xe. Do tính chất công việc phải đi công tác xa nên cứ mỗi lần bước lên xe là tôi lại uống một viên, cho dù chỉ đi khoảng 3 – 4 tiếng, có thời gian tôi phải uống trên 10 viên/tháng.”
Mặc dù thường xuyên sử dụng thuốc chống say xe như một giải pháp hữu hiệu nhưng khi được hỏi đến việc sử dụng thuốc an toàn và có uống theo sự chỉ định của bác sĩ không, hầu hết những người sử dụng này đều lắc đầu.
Việc sử dụng thuốc tùy tiện của người tiêu dùng, thuốc bán ra không được quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý đã đưa đến tình trạng người dùng bị dị ứng với thành phần phụ trong thuốc tương đối phổ biến. Chị Đặng Thị Xuân cho hay: “Do đi nhiều, phải uống thuốc nhiều nên người chị cứ lơ mơ, tinh thần không tập trung vì say thuốc rất khó làm việc và học tập. Chị cũng có nghe nói đến các tác dụng phụ của thuốc nhưng không biết làm cách nào để hết bị say xe nên đành phải theo đến cùng”.
Chị Phạm Thị Thu chia sẻ: “Mỗi lần uống thuốc là tôi ngủ mê mệt, miệng đắng ngắt, đôi khi còn thấy khó thở nữa chẳng hiểu tại sao lại bị như vậy”. Chung tình cảnh với chị Thu, chị Nguyễn Minh Lý than thở: “Lần nào uống thuốc chống say tôi cũng bị táo bón rất lâu, đôi khi còn bị dị ứng và nấc nữa, cổ họng đau rát, miệng đắng, người mệt mỏi khiến tính khí cũng thất thường. Nhưng nếu không uống thuốc chống say tình trạng say xe của tôi còn tồi tệ hơn”. TS.BS. Hà Trần Hưng – bác sĩ Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Say tàu xe là do rối loạn hoạt động ở tai trong làm ảnh hưởng đến cảm giác thăng bằng của cơ thể dẫn đến buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi. Đây là triệu chứng quan trọng và điển hình nhất của các chứng say tàu xe. Đối với những người bình thường, sự khó chịu sẽ chấm dứt khi xong chuyến đi. Tuy nhiên, đối với những người bị bệnh tim mạch hoặc tiêu hoá, các triệu chứng có thể trầm trọng hơn hoặc thậm chí kéo dài sau chuyến đi. Mặt khác, do tàu xe chạy với vận tốc không đều, rẽ ngoặt ngoằn ngoèo, những dao động tròng trành làm cho cơ thể thay đổi tư thế không có quy luật. Nếu khả năng thích ứng tốt thì không sao; nhưng với những người cơ quan tiền đình quá mẫn cảm, kém thích ứng với sự thay đổi vị trí cơ thể thì dễ mắc chứng say tàu xe”.
Theo TS. Hưng, ngoài những nguyên nhân trên thì những phản xạ thần kinh của cơ quan nội tạng truyền về trung tâm nôn ở não cũng góp phần làm tăng chứng say tàu xe. Đó là các yếu tố như ăn quá no (hoặc quá đói), mất ngủ, bực tức, mệt mỏi, không khí ô nhiễm (khói thuốc lá, mồ hôi người, mùi xăng… cũng có thể gây đau đầu, buồn nôn cho một số người quá mẫn cảm.
TS. Hưng phân tích: “Ngoài tác dụng có thể chống say xe người dùng còn gặp tác dụng phụ khi dùng các loại thuốc này là buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, có thể biểu hiện rối loạn tâm thần. Là do trong thành phần của thuốc say tàu xe có chứa nhóm thuốc kháng cholinergic: Scopolamin và các thuốc kháng histamin. Tác dụng phụ hay gặp của nhóm thuốc kháng cholinergic là: khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng (không dùng khi điều khiển máy móc); ít gặp hơn là lú lẫn, khó tiểu, hội chứng cai thuốc. Nhóm thuốc có thành phần kháng histamine sẽ dẫn đến tác dụng phụ: buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, trầm dịu, rối loạn tâm thần”.
Loại biệt dược tiêm dùng chống nôn, say tàu xe, phụ trị các rối loạn dị ứng không thể dùng được bằng đường uống và một số bệnh khác. Loại biệt dược uống giúp dự phòng, điều trị nôn mửa. Cả hai loại đều không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng. Cả 2 phân nhóm kể trên đều làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glaucome góc hẹp), làm tăng tác dụng các thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, dùng chung với các loại thuốc trên). Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già). Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú, người bị nghẽn đường dạ dày niệu. Thận trọng: khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, nghẽn dạ dày ruột, đường niệu.
Có nhiều loại thuốc với hàng trăm biệt dược có đặc tính chống nôn, chống say tàu xe. Những người dễ bị say tàu xe, trước khi khởi hành có thể dùng một trong các thuốc sau:
Cinnarizin: Với người lớn, trước lúc khởi hành 30 phút uống 15-25mg để phòng ngừa say tàu xe. Thuốc có tác dụng phụ có thể gây buồn ngủ nhẹ. Nếu dùng liều cao có thể rối loạn tiêu hóa. Không uống rượu khi đang dùng thuốc.
Dimenhydinat: Người lớn, trước khi khởi hành 30 phút uống 1-2 viên để phòng ngừa say tàu xe. Hoặc đặt một viên thuốc đạn 100mg. Sau khi uống thuốc nếu cần cứ 4 giờ uống 1 viên. Diphenhydramin: Dự phòng và điều trị nôn mửa uống 25-50mg hoặc dùng 1 ống thuốc tiêm bắp. Scopoderm TTS: Dán 1 miếng phía sau tai, ở chỗ da khô không có tóc, trước khi khởi hành 6-12 giờ để cho thuốc ngấm. Khi đến nơi gỡ miếng dán bỏ đi. Với 1 miếng dán đủ để phòng cho một chuyến đi trong 72 giờ. Nếu đi lâu hơn, sau 72 giờ sẽ bỏ miếng cũ đi, và dán 1 miếng mới ở phía tai bên kia.
(Ảnh minh họa)
Dùng gừng: Nếu không muốn dùng thuốc hóa dược, hoặc trường hợp có chống chỉ định thì có thể dùng gừng tươi hoặc bột gừng khô cũng có tác dụng tốt chống say tàu xe. Những nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh một số chất trong củ gừng có tác dụng kháng histamin, chống nôn, chống co thắt cơ trơn, có tác dụng phòng ngừa say tàu xe không kém so với thuốc hóa dược; và người có thai cũng dùng được. Ở nước ngoài, người ta cũng đã sản xuất những viên nang gelatin chứa liều bột gừng (thường là 1g) cho dễ uống. Trước khi khởi hành 30 phút uống 2 viên có thể phòng được say tàu xe.
Minh Hòa