Bình yên sau chiến tranh

Lên đường bảo vệ Tổ quốc, để lại một phần máu thịt, sức khỏe nơi chiến trường khói lửa, giờ đây, năm một đôi lần, họ lại được tề tựu bên nhau dưới một mái nhà, được chăm sóc, được khám chữa bệnh và được sống yên vui. Để có được những tháng ngày sống vui khỏe cho các thương binh qua hai cuộc chiến ấy, có sự đóng góp âm thầm của những bóng áo trắng của các y, bác sỹ nơi Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội.

 

anh minh hoa

 

(Ảnh minh họa)

 

Vui, khỏe tuổi già

Một sáng nắng vàng tháng 7, chúng tôi tới thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội. Tránh xa nơi ồn ào phố xá, Trung tâm nằm nép mình bên con sông Nhuệ hiền hòa và những tán cây lâu năm tỏa bóng mát.

Cả không gian yên bình ấy bỗng ồn ào, sống động khi tiếng kẻng báo giờ cơm trưa vang lên. Những người cựu chiến binh đất Sơn Tây anh hùng theo nhau đi xuống nhà ăn rôm rả chuyện trò, xen kẽ với họ là những bóng áo trắng của các cô điều dưỡng đang hướng dẫn các cụ tới bàn ăn và phục vụ bữa trưa cho gần 100 thương binh.

Không giấu nổi niềm vui, bệnh binh Nguyễn Văn Thành ở phường Quang Trung, tp Sơn Tây tâm sự: “Đây là lần thứ4 tôi được đi điều dưỡng ở các trung tâm dành cho người có công. Điều khiến chúng tôi vui và hạnh phúc là được sự chăm sóc, quan tâm vô cùng ân cần và chu đáo của các nhân viên ở đây, đặc biệt là các y bác sỹ. Họ không chỉ là những lương y mà còn như những đứa con, đứa cháu, tâm sự lắng nghe, chia sẻ với chúng tôi. Mỗi thương bệnh binh đến đây đều được đưa đi khám bệnh, phát hiện các bệnh kịp thời và được điều trị hàng ngày. Sáng, trưa, tối các đơn thuốc được y, bác sỹ mang tới tận giường, hướng dẫn uống, bắt mạch, hỏi han tình trạng sức khỏe. Tới đây mà chúng tôi có cảm giác như ở nhà, lại được chăm sóc sức khỏe như ở bệnh viện”.

Năm 1968, anh nông dân trẻ 18 tuổi Nguyễn Văn Mão lên đường nhập ngũ, một năm sau, còn đang bàng hoàng đau xót với tin Bác Hồ mất, trên đường hành quân ở mặt trận B3 Tây Nguyên, anh bị thương rồi được đưa về hậu phương. Quyết tâm ở lại chiến trường cùng anh em, tuy bị thương song anh đòi chuyển về bộ phận hậu cần để được ở lại chiến trường. Năm 1974, anh Mão xuất ngũ về lại quê nhà ở xã Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Tây (cũ). Là thương binh hạng 4, ông Mão giờ tuổi đã cao, sức đã yếu nhiều.

Tuy vậy, ông vẫn móm mém cười tâm sự: “Đến Trung tâm này chúng tôi vui lắm. Vui vì Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có chế độ dành cho những người có công với đất nước, nhưng vui nhất là được các nhân viên, y bác sỹ ở đây săn sóc tận tình. Từng bữa cơm, viên thuốc, cơn đau bụng, nhức chân tay, đầu óc của chúng tôi đều được quan tâm, theo dõi và chữa trị kịp thời. Các nhân viên y tế ở đây nhẹ nhàng và tận tụy lắm, bất kể giờ giấc nào, chúng tôi gọi là đều được chăm sóc ngay. Ở đây, tôi thấy khỏe ra rất nhiều”.

Các cụ vừa vui vẻ chuyện trò, vừa tranh thủ sử dụng các dụng cụ tăng cường sức khỏe, được đặt dọc theo hành lang Trung tâm. Các nhân viên y tế có mặt 24/24 giờ ở trung tâm, qua lại thường xuyên hỏi han, tâm sự với các thương binh.

Bác sỹ 3 trong 1

Tranh thủ giờ ăn trưa của các thương binh, bác sỹ Phùng Văn Quỳnh, Phòng Y tế trực tiếp phụ trách công tác điều trị cho thương bệnh binh chia sẻ: “Chúng tôi coi việc được chăm sóc sức khỏe cho các bác cựu chiến binh là một vinh dự. Các bác hầu hết đều đã tuổi cao, sức lại yếu và có thương tật nên việc chăm sóc và điều trị trở nên khó khăn hơn, cần phải tận tâm và nhiệt huyết chứ không chỉ vì trách nhiệm”.

Theo bác sỹ Quỳnh, ngay từ khi đón các thương bệnh binh tới Trung tâm, các nhân viên y tế của Trung tâm đã thăm khám ban đầu, phân loại sức khỏe của các thương bệnh binh để có phương án chăm sóc tốt nhất. Trung tâm cũng phối hợp với Viện Quân y 103 khám sức khỏe cho các thương bệnh binh, ai cần khám sâu, tổng quát cũng được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng.

“Điện thoại của chúng tôi dù không phải ca trực cũng được bật 24/24 giờ trong ngày. Chỉ cần các bác gọi điện, dù giờ nào, ở đâu chúng tôi cũng đều có mặt đáp ứng kịp thời. Buổi sáng, chúng tôi phát thuốc bổ và hướng dẫn các bác uống đủ. Trưa chiều cũng vậy. Không chỉ chăm sóc sức khỏe, chúng tôi còn tâm sự, nắm bắt tâm lý các bác, tổ chức các hoạt động giao lưu, văn nghệ, chia sẻ chuyện quê hương để các bác vui và sức khỏe tốt lên”, bác sỹ Quỳnh kể.

Lắng nghe tâm sự của các thương bệnh binh, nghiên cứu kỹ các quy định, chính sách của Nhà nước về chế độđối với những người có công để kịp thời trả lời các thắc mắc của thương bệnh binh; tư vấn cho thương bệnh binh các phát hiện các bệnh của tuổi già và cách phòng tránh… Y bác sỹ ở đây không còn là những nhân viên y tế đơn thuần, họ đã trở thành những người con, người đồng cảm, tư vấn tâm lý và cố vấn chính sách cho các thương bệnh binh. Họ khiến cho mỗi thương bệnh binh khi nhắc đến không khỏi cảm phục và yêu mến.

Kiên nhẫn dẫn người thương binh già từng bước tới nơi phục vụ bữa trưa, bác sỹ Quỳnh giản dị: “Đó là công việc và cũng là niềm tự hào của chúng tôi. Các thế hệ cha anh đã hy sinh không tiếc xương máu cho bình yên của đất nước, nay được chăm sóc họ những ngày tuổi già, chúng tôi thay mặt các thế hệ đi sau tri ân họ cũng là việc nên làm, phải làm và làm cho thật tốt”.

Chia tay những nhân viên áo trắng đang tươi cười, dịu dàng phục vụ thương bệnh binh, chúng tôi chợt thấy dâng lên trong lòng một niềm vui, lòng tin yêu đối với những y bác sỹ đang làm công việc vô cùng ý nghĩa nơi đây. Họ đang góp phần cho cuộc sống của các thương bệnh binh những ngày tuổi già thêm chất lượng và vui khỏe. Phía trước, ngày 27/7 đang đến thật gần. Đó sẽ là một ngày vui của họ, những người đã cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay, cả trong thời chiến và thời bình.

Mai – Hường