Chị Đàm Thị Sáu – mẹ cháu Gia Bảo 3 tuổi ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang kể lại: “Trưa 19/8, đang đi làm được người nhà báo là con hay quấy khóc và kêu đau. Khi đó tôi nghĩ là trẻ con đùa nghịch nên vậy.
Tới chiều về thấy mũi con chảy dịch màu đen, con kêu đau nhiều hơn và bị sốt nhẹ, tôi đưa cháu tới phòng khám gần nhà để kiểm tra nhưng không tìm ra nguyên nhân. Cả đêm đó con ngủ không sâu giấc và vẫn kêu đau nên sáng 20/8 tôi đưa con đến bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khám”.
Kết quả chụp X-Quang sọ não mặt thẳng, nghiêng cho thấy có dị vật ở mũi bệnh nhi
Sau khi thăm khám và cho bệnh nhi dùng 2 loại kháng sinh phối hợp chống viêm, các bác sĩ Khoa Liên Chuyên khoa đã chỉ định cho bệnh nhi chụp X-Quang sọ não mặt thẳng và nghiêng nhận thấy hình ảnh cản quang vị trí hốc mũi phải.
Bác sĩ nhận định đây là trường hợp có dị vật nguy hiểm trong mũi cần phải lấy ra nên đã nội soi và gắp ra dị vật là viên pin cúc áo có đường kính khoảng 1cm. Viên pin đã bị oxy hóa đen vỏ.
Viên pin cúc áo có đường kính khoảng 1cm được lấy ra từ mũi phải của bệnh nhi
Rửa sạch hốc mũi trẻ kiểm tra thấy viên pin cúc áo đã ăn mòn cuốn mũi và vách ngăn mũi. Rất may là trẻ chưa bị thủng vách ngăn mũi. Trẻ tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Liên Chuyên khoa cho tới khi sức khỏe ổn định.
Khoa Liên Chuyên khoa, BV Sản Nhi Bắc Giang từng thực hiện lấy rất nhiều dị vật khác nhau trong tai – mũi – họng của trẻ có thể kể tới như: hạt đỗ, ngô, hạt muồng, hạt của các loại đồ chơi, mảnh bông gòn, cục phấn, tẩy hay các loại côn trùng như kiến, muỗi… và nguy hiểm nhất là pin cúc áo. Những dị vật này khi lọt vào mũi hoặc tai của trẻ lâu ngày gây viêm tại chỗ, thậm chí có thể phá hủy lớp niêm mạc làm thủng vách ngăn mũi, thủng màng nhĩ…
Nếu thấy trẻ quấy khóc, có dịch lạ như máu, mủ từ mũi, tai chảy ra nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa tai – mũi – họng và có trang thiết bị nội soi tai – mũi – họng hiện đại để được thăm khám và xử trí kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện dị vật rơi vào trong tai – mũi – họng của trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý lấy dị vật cho trẻ tại nhà vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn khiến trẻ bị tổn thương nghiêm trọng hơn và sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế