Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại hội nghị chuyển đổi số Y tế Quốc gia 2020 do Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (30/12) ở Hà Nội.
Người dân cần gì?
Đây có lẽ là câu hỏi mà ngành Y tế luôn phải băn khoăn, trăn trở. Thực tế, hầu hết người dân đều trực tiếp đến các bệnh viện để khám, chữa bệnh, gây ra tình trạng quá tải, chen chúc, tiêu tốn nhiều thời gian lẫn chi phí, thậm chí khiến không ít người có tâm lý e ngại, mất lòng tin vào bệnh viện và không muốn đến bệnh viện để khám.
Từ thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Điều mà người dân cần nhất là được tư vấn, khám, chữa bệnh với bác sĩ giỏi mà mình tin tưởng nhất. Khi họ bị ốm hoặc gia đình có người găp vấn đề về sức khoẻ thì ai cũng muốn khám bệnh ở bệnh viện tuyến trên với bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều mà người dân cần nhất đó chính là được tư vấn, khám, chữa bệnh với bác sĩ giỏi mà mình tin tưởng (Ảnh: Đăng Khoa) |
Không chỉ vậy, từ lâu mỗi người dân đều luôn mơ ước được quản lý sức khoẻ, có bác sĩ riêng chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Hiện nay, hầu hết các cán bộ đều được chăm sóc sức khoẻ một cách kỹ lưỡng, khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, sức khoẻ của người dân lại chưa được quan tâm, chăm sóc kỹ càng như vậy.
Chính vì thế, chuyển đổi số y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Với những ứng dụng công nghệ hiện đại được tích hợp trên điện thoại thông minh, điển hình là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa. bệnh từ xa, người dân sẽ không phải lo lắng xếp hàng dài ở bệnh viện để chờ khám bệnh mà ngay lập tức sẽ được các bác sĩ tư vấn sức khoẻ trực tuyến.
Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, Bộ Y tế dự kiến tới ngày 1/7/2021, mỗi người dân sẽ có 1 “bác sĩ riêng” để chăm sóc sức khoẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi tình hình sức khoẻ tình nguyện viên đầu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh: Mạnh Cường) |
BHXH Việt Nam phải sửa đổi chính sách thanh toán BHYT
Bên cạnh việc tăng cường chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo BHXH Việt Nam phải có kế hoạch sửa đổi chính sách thanh toán BHYT. Khi người dân ốm, bảo hiểm thanh toán còn khi khoẻ thì không có chính sách chi trả. Nếu người dân muốn khám, chữa bệnh thêm thì phải bỏ tiền túi.
Ở nước ta là vậy nhưng tại các nước trên thế giới có chính sách chăm sóc sức khoẻ kỹ càng cho người dân cả trong trạng thái giữa ốm và khoẻ. Điển hình là việc thăm khám sức khoẻ định kỳ và khám sàng lọc. “Hiện nay, BHYT chưa thanh toán khám sức khoẻ định kỳ và khám sức khoẻ sàng lọc” – Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, người dân rất cần được tư vấn để mua thuốc, uống thuốc theo đơn với giá cả, chất lượng, xuất xứ công khai, minh bạch. Theo khảo sát của các tổ chức quốc tế, giá thuốc ở Việt Nam đang rẻ hơn rất nhiều so với các nước ASEAN.
Bộ Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với BHYT
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số y tế là chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong điều kiện chưa có nhiều kinh phí. Người dân phải biết tự phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, đồng thời, được tư vấn tự động bằng chatbot để phòng bệnh.
Thời gian qua, ngành Y tế đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân. Đến nay, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả bước đầu trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, con đường chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế phía trước còn rất dài và nhiều khó khăn.
Điển hình là việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Mặc dù đã được triển khai cách đây hơn 4 năm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với BHYT để thực hiện. Do đó, Bộ Y tế với BHYT chặt chẽ hơn nữa để triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Có thể thấy, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin thực sự là công cụ hữu hiệu trong phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh. Để thực hiện tốt chuyển đổi số y tế thì hành lang pháp lý và cơ chế tài chính đều phải sửa đổi.
Ở bệnh viện, các loại máy móc, trang thiết bị y tế,… đều được hạch toán nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh cho người dân thì chưa thể hạch toán bởi hầu hết các bệnh viện chưa coi ứng dụng công nghệ thông tin là trang thiết bị y tế có tiêu hao. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các đơn vị phải có cơ chế rõ ràng để thanh toán chi phí đối với các ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Hiện thực hoá chuyển đổi số Y tế
Để người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất, Bộ Y tế đang nỗ lực hiện thực hoá chuyển đổi số Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – chia sẻ: Ngành Y tế là điểm sáng về chuyển đổi số. Đến nay, 100% văn bản của ngành Y tế đã được xử lý điện tử, 100% áp dụng chữ ký số. Trong lĩnh vực dịch vụ công, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế là bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước 5 năm. Tới đây, ngành Y tế sẽ tiếp tục cắt giảm hồ sơ, 30% thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Đăng Khoa) |
Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã công khai 62.438 giá dược phẩm (công khai giá bán lẻ ở nhà thuốc); 17.066 trang thiết bị, vật tư y tế được công khai để tránh mua bán lòng vòng, thổi giá và công khai 93.253 kết quả đấu thầu.
“Thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế trên toàn quốc phải công khai tất cả các kế hoạch đấu thầu và tất cả các bệnh viện phải công khai giá dịch vụ y tế. Tới đây từng bước tất cả các điểm bán lẻ dược phẩm, thực phẩm chức năng cũng phải công khai giá để tạo ra thị trường lành mạnh” – ông Long nói.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Chuyển đổi số Y tế sẽ được đẩy mạnh hơn nữa khi các cơ sở y tế toàn quốc phải kết nối để khám, chữa bệnh từ xa, kể cả những cơ sở y tế tư nhân, đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ sức khoẻ cá nhân, tạo thói quen tự theo dõi sức khoẻ hàng ngày cho người dân.