Y học cổ truyền cho rằng ngoài việc dùng thuốc để phòng và chữa bệnh thì các phương pháp điều trị không dùng thuốc có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là các phương pháp xoa bóp bấm huyệt, luyện tập thái cực quyền, luyện khí, luyện công, day bấm và xoa bóp tự thân… Các phương pháp này đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong thực tế, mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng và điều trị bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc nhằm tác dụng đem lại điều hòa âm – dương cho cơ thể, giảm đau chống xơ hóa và giúp cơ thể tăng cường được khả năng tự miễn dịch, phòng chống được các chứng bệnh và bệnh thông thường trong đó xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp được sử dụng rộng rãi.
(ảnh minh hoạ)
Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đó là nền tảng đem lại những ứng dụng đột phá trong phòng, điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe.
Xoa bóp, bấm huyệt tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh có tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, làm thư giãn thần kinh, giảm đau, giãn cơ và cải thiện chức năng tiêu hoá, làm da bóng đẹp. Xoa bóp còn có nhiều tác dụng phục hồi sức khỏe. Theo y học cổ truyền, xoa bóp, bấm huyệt thông qua tác động vào các huyệt, kinh lạc (kinh cân) có thể đuổi được ngoại tà, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ.
Xoa bóp, bấm huyệt để thực sự đạt được hiệu quả cao nhất phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay tài hoa của thầy thuốc. Trong quá trình trị liệu, thầy thuốc dùng các vị trí như Ô mô ngón tay, góc bàn tay, đốt ngón tay, lòng bàn tay, ô mô ngón út, các đầu và vân ngón tay để làm thủ thuật. Trong một số trường hợp, thầy thuốc còn phải dùng thêm khuỷu tay để kết hợp day huyệt.
Xoa bóp, bấm huyệt có hiệu quả cao trong việc điều trị tổn thương về phần thần kinh: Như liệt dây thần kinh VII ngoại biên, đau thần kinh liên sườn, đau thần kinh hông to, đau thần kinh tọa, đầu đám rối thần kinh cánh tay; Các chứng bệnh và bệnh: Rối loạn thần kinh tim, tim đập nhanh, đau đầu do cảm mạo, mất ngủ, do tăng huyết áp…; đau cổ gáy, vai cấp, đau lưng cấp, bí tiểu sau sinh, cắt cơn hen phế quản, khó thở; rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, chướng bụng, cắt cơn đau dạ dày…
Tuy nhiên, không thể lạm dụng phương pháp này một cách bừa bãi, không khoa học. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không được sử dụng phương pháp này trong điều trị như: Những người ở trạng thái thần kinh không ổn định, mắc các bệnh ngoài da, vết thương hở; bệnh nhân mắc bệnh lao; những bệnh do nội tiết có nguy cơ tai biến cao khi bị kích thích.
Khi trị liệu theo phương pháp xoa bóp, bấm huyệt người thầy thuốc phải thường xuyên luyện tập và vận động cổ tay, ngón tay, bàn tay cho thật dẻo, mềm và có độ cứng của ngón thích hợp với tình trạng từng bệnh nhân và chia thành các nhóm động tác phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo kết quả điều trị được tốt nhất như:
Xoa: Dùng lòng bàn tay, vân ngón tay xoa tròn trên da thịt của người bệnh; xoa theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Riêng vùng bụng phải xoa theo chiều kim đồng hồ.
Xát: Dùng gốc bàn tay xát mạnh trên da thịt người bệnh xát từ trên xuống dưới và ngược lại, sang hai bên, khi xát thấy vùng da được xát đỏ lên là đạt yêu cầu.
Miết: Dùng đầu ngón tay miết dọc theo chiều dài của khu vực bị bệnh như ở lưng, cung lông mày, khe liên sườn…
Phân và hợp: Dùng phối hợp cả hai bàn tay của người thầy thuốc tại một điểm tách ra hai bên (phân). Từ hai bên dồn lại một điểm (hợp).
Véo: Dùng ngón cái và ngón trỏ phối hợp với nhau, véo dọc bệnh nhân lên từng nhát một hoặc có thể dùng cả hai bàn tay phối hợp nhịp nhàng kéo căng cả khối cơ thể lên, hai bàn tay vận động làm cho khối cơ luôn cuộn trong tay người thầy thuốc.
Bóp: Dùng cả bàn tay tóm khối cơ lên và bóp sau đó bỏ ra, làm nhịp nhàng trên những chỗ đau có các cơ lớn.
Lăn: Lòng bàn tay nắm hờ lại, dùng sức từ cổ tay của người thầy thuốc có thể lấy ô mô ngón út làm điểm tựa hoặc các đốt ngón làm điểm tựa lăn trên da thịt bệnh nhân.
Đấm – chặt: Dùng bàn tay nắm hơi chặt, dùng ô mô cơ ngón út đấm liên tiếp vào da thịt bệnh nhân; Trong một số trường hợp thầy thuốc có thể dùng theo cách dùng hai bàn tay xòe rộng, các ngón tay áp sát vào nhau. Dùng đốt thứ 1 của ngón út làm điểm tựa chặt liên tiếp vào da thịt bệnh nhân. Các ngón tay chạm vào nhau phát ra tiếng kêu lách tách là được.
Vê: Dùng đầu ngón tay cái và trỏ vê tròn các khớp theo chiều lên trên, xuống dưới thường làm ở các đốt ngón tay, chân, cung lông mày.
Vờn: Hai bàn tay bao lấy một khối cơ, hai tay vận động ngược chiều nhau, để khối cơ làm được cuộn dưới tay của người thầy thuốc. Vỗ: Lòng bàn tay hơi khum lại, tạo thành chỗ lõm dùng sức cổ tay vỗ liên tiếp vào bệnh nhân phát ra tiếng kêu bộp bộp là được.
Bấm huyệt, day huyệt, điểm huyệt: Là dùng vân ngón tay để day huyệt, từng đầu ngón tay gập lại để bấm huyệt và dùng lực dồn vào đầu ngón tay thẳng đứng để diểm huyệt.
Vận động: Dùng hai tay thầy thuốc đặt ở phía trên và phía dưới ở khớp cần vận động, hai tay vận động trái chiều nhau khi nào thấy khớp cần vận động mềm ra bẻ mạnh một cái là được.
Rung: Thường làm động tác này ở tay và chân. Hai bàn tay thầy thuốc nắm lấy hai bên cổ tay, cổ chân kéo thẳng rung từ nhẹ đến nặng, khi nào thấy rung tạo thành một làn sóng thì giật mạnh là được.
Trên đây là một số động tác cơ bản giúp chúng ta có thể tự xoa bóp bản thân và làm nhẹ nhàng khi có người thân bị mệt mỏi mắc các chứng bệnh thông thường. Sử dụng đúng các kỹ thuật khi trị liệu sẽ giúp bệnh nhân hạn chế việc dùng thuốc nhưng vẫn nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị, đặc biệt là các bệnh thông thường.
BS. Trần Quốc Hùng