Bác sĩ di động
Vừa cầm chén nước định uống, bác sĩ Phạm Gia Nam vội vã xin cáo lui bởi nghe thấy 3 hồi chuông. Ở Trung tâm có quy định bao nhiêu hồi chuông thì xe cứu thương mang số hiệu đó lên đường.
Chỉ 3 phút kể từ khi thấy tín hiệu báo xuất phát, bác sĩ Nam cùng một nữ y tá và tài xế đã có mặt trên xe. Tiếng còi xe cứu thương hú lên và nhanh chóng lẫn vào dòng người xe trên đường. Ở phía Nam của thành phố, một bệnh nhân bất ngờ lên cơn đau tim đang đợi họ…
Mỗi ngày có gần 100 ca cấp cứu mà các bác sĩ và y tá của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội phải xử lý. Không ca bệnh nào giống nhau hoàn toàn và cũng vô vàn tình huống bất ngờ xảy ra trong hành trình giữ tính mạng bệnh nhân của những người khoác trên mình tấm áo blouse trắng.
Những chuyến xe không giờ giấc cố định, những nơi đến không bao giờ giống nhau, nhưng cùng chung mục đích cứu người, nên có thể gọi họ là bác sĩ di động.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Nam đã đối mặt nhiều tình thế khó khăn mà những đồng nghiệp của anh tại nhiều bệnh viện không có cơ hội trải nghiệm.
Đêm mùng 1 Tết Nguyên đán vừa rồi, đang cùng kíp trực xem tivi, bác sĩ Nam nhận cuộc điện thoại báo cấp cứu người đàn ông ở mạn Hồ Tây. Trước mắt họ là một người đàn ông mang quốc tịch Italia đang nằm ngửa trong tình trạng khó thở. Qua khám ban đầu, xác định bệnh nhân bị khó thở do bệnh xơ gan cổ trướng.
Căn bệnh khiến bệnh nhân cứ nhấc đầu lên là suy thở, chỉ vận động cũng khiến toàn thân tím tái. Kíp trực quyết định đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Khó khăn ập đến: bệnh nhân nặng tới 195 kg, to gấp đôi chiếc cáng cứu thương, lại đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, việc vận chuyển bệnh nhân từ tầng 3 xuống tầng 1 rất nan giải bởi ba nhân viên y tế và vợ con bệnh nhân cũng không đủ sức làm nổi việc đó.
Trung tâm Cấp cứu 115 phải cử thêm một kíp trực nữa đến hỗ trợ. 6 người gồm bác sĩ, y tá và tài xế đưa người bệnh xuống tầng 1. Chiếc cáng được quấn thêm tấm chăn bông để tạo diện tích rộng hơn giúp bệnh nhân không rơi khỏi cáng. Họ nghĩ ra cách dùng dây thật chắc buộc vào hai góc phía sau cáng cứu thương.
Tiếp đó, đặt cáng chở bệnh nhân trượt theo những bậc cầu thang để đi xuống. Lúc này hai người giữ hai đầu cáng phía trước, bốn người khỏe nhất giữ chặt hai dây níu lại để cả người giữ và cáng không bị sức nặng của bệnh nhân cùng độ dốc của cầu thang lôi tuột đi. Xuống đến tầng 1, họ tiếp tục gặp khó khăn khi phải khiêng bệnh nhân đang tiếp tục thở oxy từ mặt đất lên xe cứu thương.
Bác sĩ Nam chia sẻ: “Lúc đó chúng tôi tìm sự trợ giúp từ công an phường và người dân nhưng không có ai. Đến giờ cả nhóm vẫn không hiểu sức mạnh nào giúp mình khiêng được ông khổng lồ ấy lên xe nữa. Khi tới Bệnh viện Việt Pháp, các bác sĩ ở đó cũng bất ngờ với vị khách đặc biệt này, họ vô cùng vất vả mới đưa được ông ấy lên giường bệnh”. Mệt rã rời, căng thẳng tột độ với ca cấp cứu đầu năm mới, nhưng rồi tất cả được bù đắp bởi cuối cùng sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt.
Y sĩ Đỗ Anh Tùng trông già hơn cái tuổi 25: “Nhiều lần em nhận lệnh đi cấp cứu bệnh nhân chấn thương do đánh nhau, những lúc ấy họ hung hăng lắm, mình đến giúp nhưng còn bị họ tấn công, chửi bới thậm tệ. Điều cần nhất với người làm công tác cấp cứu ngoại viện là sự nhẫn nhịn để có những ứng xử đúng mực với người bệnh và thân nhân họ”.
Mới chỉ 10% ca cấp cứu gọi 115
Không ít người dân đã phàn nàn 115 đến chậm. Bác sỹ Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho hay: “Tất cả thông tin các cuộc gọi điện thoại đến 115 yêu cầu cấp cứu như giờ gọi đến, giờ xe đi đều được chúng tôi ghi lại chi tiết. Từ khi tiếp nhận thông tin đến khi xe xuất phát trong trung tâm chỉ từ 2 – 3 phút. Nhưng từ nơi xuất phát ở Trung tâm hay các trạm đến nơi yêu cầu có rất nhiều yếu tố khách quan như đường tắc, đường đông, giờ cao điểm.
Trung tâm nằm tại số 11 Phan Chu Trinh và 4 trạm cấp cứu khu vực đặt tại 4 cửa ngõ của thành phố với tổng số 15 kíp xe thường trực 24/24 giờ, đáp ứng yêu cầu cấp cứu, vận chuyển cấp cứu của người dân qua số điện thoại 115”.
Người dân còn tâm lý e ngại gọi 115, vì sợ giá thuê đắt, sợ xe không đến. Nhưng 115 “rẻ” đến bất ngờ. Họ chỉ thu 1 phần phí rất thấp theo bảng giá quy định của UBND TP Hà Nội. Cấp cứu tại nhà với cự ly dưới 10 km thu 80 nghìn đồng cho cả ê kíp, thuốc, phương tiện. Cấp cứu chuyển viện thu 120 nghìn đồng. |
Cách đây chưa lâu, 115 chỉ có 10 xe mà phải “cõng” trên 4 triệu dân. Nhưng đến thời điểm này theo bác sỹ Nguyễn Văn Chánh, với 15 xe, khả năng đáp ứng cấp cứu của Trung tâm đối với cuộc gọi đến 115 là trên 99%.
Sẽ rất đáng mừng nếu như 115 ít việc, nhưng thực tế thì số tai nạn, số người bệnh ngày càng gia tăng, làm sao 15 xe đáp ứng được hết? Bác sỹ Chánh cho biết: Thực ra, trong tổng số ca cấp cứu đưa đến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thì số ca cấp cứu 115 còn thấp, chỉ khoảng 10% trở lại. Còn lại đa số người ta đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng phương tiện khác như taxi, xe máy, xích lô.
Người dân còn tâm lý e ngại gọi 115, vì sợ giá thuê đắt, sợ xe không đến. Nhưng 115 “rẻ” đến bất ngờ. Họ chỉ thu 1 phần phí rất thấp theo bảng giá quy định của UBND TP Hà Nội. Cấp cứu tại nhà với cự ly dưới 10 km thu 80 nghìn đồng cho cả ê kíp, thuốc, phương tiện. Cấp cứu chuyển viện thu 120 nghìn đồng. Nếu đi xa hơn thì thu 120 nghìn và 200 nghìn đồng. Như vậy, chi phí không đắt bằng đi taxi.
Vất vả, chế độ đãi ngộ thấp, không có nguồn thu ngoài là những đặc thù nghề nghiệp khiến nhiều năm nay, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thiếu bác sỹ. Khắc phục tình trạng này, Trung tâm phải tuyển y sĩ (có chức năng khám chữa bệnh) rồi đào tạo thêm để có nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu người dân.
Bác sĩ Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, chỉ với 15 kíp trực thay nhau làm việc, trong khi địa bàn Hà Nội mở rộng tới tận Ba Vì, cách trung tâm thành phố hơn 70km, cũng là trở ngại và thách thức lớn.
Nhất là những dịp thời tiết giá rét hoặc chuyển mùa, lượng bệnh nhân tăng lên đáng kể khiến nhiều khi tất cả các kíp trực đều trên đường làm nhiệm vụ. Cũng vì thế không tránh được những lúc người nhà bệnh nhân không hài lòng vì phải chờ đợi lâu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh tâm sự: “Làm ở 115 thiệt thòi hơn các bệnh viện vì tác nghiệp trong môi trường cộng đồng, không có máy móc hiện đại hỗ trợ kịp thời. Thêm nữa áp lực tâm lý luôn thử thách sự kiên nhẫn, nhanh trí, dũng cảm của những nhân viên 115 khi đối mặt những tình huống bất ngờ tại nơi cấp cứu bệnh nhân”.
Khác với đồng nghiệp làm tại bệnh viện, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 hầu như không có phong bì cảm ơn của bệnh nhân. Nhưng với họ, câu cảm ơn vội vã từ người nhà bệnh nhân cũng là lời động viên tinh thần, bởi hơn ai hết họ hiểu những khó khăn, vất vả của nghề đã được trả công, bằng sự an toàn tính mạng của bệnh nhân.
Thái Hà – Phùng Nguyên