(Theo Bộ Y tế) Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng Khoa Cấp tính nam Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh là người đã có 30 năm trong nghề điều trị bệnh nhân tâm thần. Trong nghề, bác sĩ đã không ít lần bị bệnh nhân tấn công.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng Khoa Cấp tính nam Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh kể lần bị bệnh nhân tấn công suýt hỏng con mắt bên trái. Ảnh: Trần Tuấn
Bị đánh vào mặt, dội phân lên người
Sáng 27.2, đúng ngày kỉ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng tại Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng vẫn trực, miệt mài thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hùng kể, anh vào nghề từ năm 1995, khi đó đang là Khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2014 Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh hoàn thành đi vào hoạt động (ở đường Đồng Môn, phường Thạch Quý, Thành phố Hà Tĩnh), bác sĩ Hùng chuyển về công tác tại đây cho đến nay.
Trong gần 30 năm làm nghề với chuyên ngành tâm thần điều trị bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Hùng kể, anh đã nhiều lần bị bệnh nhân tấn công sứt da, chảy máu, thậm chí còn bị bệnh nhân đổ chất bẩn lên người.
“Có lần tôi điều trị cho một bệnh nhân là người ở huyện Đức Thọ. Anh này khi vào viện bệnh nặng nên chống đối, bất hợp tác, bỏ chạy, đã phải xích lại để cho dùng thuốc. Có lần xích bị tuột, bệnh nhân này đã quất dây xích vào mặt tôi chảy máu, suýt nữa thì vào mắt” – bác sĩ Hùng kể.
Một lần nhớ đời khác nữa, khi anh vừa bước vào phòng bệnh để khám thì bất ngờ có một nam bệnh nhân đến từ phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) hất cả bô phân lên đầu khiến anh nghẹn ngào phải về tắm rửa ngay lập tức.
Bác sĩ Hùng kể lại kỉ niệm không bao giờ quên khi có lần vừa bước vào phòng bệnh đã bị một bệnh nhân tâm thần hắt cả bô phân lên đầu. Ảnh: Trần Tuấn
Trong gần 30 năm làm nghề, bác sĩ Hùng đã rất nhiều lần bị bệnh nhân tâm thần tấn công, cấu xé, xô ngã.
“Nghề chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần rất vất vả nhưng chúng tôi xác định phải tâm huyết, trách nhiệm để điều trị cho bệnh nhân với quan điểm ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai.
Những ngày đầu khi đang nặng bệnh thì họ có hành động bất thường chứ sau khi được điều trị, họ giảm bệnh, hiền lành trở lại khiến mình rất vui và càng thương các bệnh nhân hơn” – bác sĩ Hùng tâm sự.
Quá trình điều trị, đã không ít lần bệnh nhân bỏ trốn ra về khiến các y, bác sĩ vất vả đi tìm kiếm, bắt về tiếp tục điều trị.
“Chúng tôi thường đùa nhau rằng y, bác sĩ khoa tâm thần thì phải học võ và chạy thật nhanh để có thể tự vệ hoặc bỏ chạy khi bệnh nhân lên cơn tấn công, đuổi đánh” – bác sĩ Hùng cười, chia sẻ.
Bộn bề khó khăn, vất vả
Ông Nguyễn Hồng Phúc – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh – chia sẻ, đặc thù ở bệnh viện tâm thần thì y, bác sĩ, điều dưỡng bị bệnh nhân tấn công là khó tránh khỏi.
“Khi mới nhận nhiệm vụ, nhiều người có thể có lo lắng, hoang mang nhưng qua thời gian, họ quen dần và sẵn sàng đối diện, tâm huyết, trách nhiệm để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, lấy việc bệnh nhân giảm, lành bệnh làm niềm hạnh phúc để thêm yêu nghề hơn” – ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Phúc, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh hiện có 5 khoa, 3 phòng với tổng số 64 cán bộ, nhân viên, trong số đó có 12 bác sĩ.
Hiện Bệnh viện đang tự chủ gần 56%, trong khi cơ sở vật chất còn thiếu, y, bác sĩ thiếu.
Về cơ sở vật chất, hiện nay dãy nhà điều trị tại Khoa Cấp tính nam đang phải chia ra làm 3 khoa gồm Khoa Cấp tính nam, Khoa Phục hồi chức năng và Khoa Xác định tình trạng nghiện.
Bác sĩ Hùng thăm khám cho bệnh nhân tâm thần. Ảnh: Trần Tuấn
Điều đó khiến nhiều trường hợp tâm thần cấp tính khi đến đây để điều trị cảm thấy chật chội, lẫn lộn với những ca bệnh tâm thần nặng nên họ e ngại, không muốn ở lại điều trị.
“Chúng tôi đã đề xuất triển khai giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh. Rất mong sớm được tỉnh bố trí ngân sách để triển khai nhằm đáp ứng đủ cơ sở vật chất thực hiện chức năng nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn” – ông Phúc nói.
Bác sĩ Phúc chia sẻ thêm, hiện nay trong gia đình, xã hội vẫn còn tình trạng kỳ thị với bệnh nhân tâm thần. Nhiều gia đình có người nhà bị tâm thần cấp tính nhưng không được đưa đi điều trị kịp thời, để bệnh diễn biến nặng.
Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh – nơi nhiều y, bác sĩ hàng ngày rất vất vả, nguy hiểm khi chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần. Ảnh: Trần Tuấn
Do vậy, rất mong gia đình, xã hội quan tâm, động viên, đặc biệt kịp thời đưa những người có biểu hiện bị bệnh tâm thần sớm đi thăm khám, điều trị, bởi để họ ở nhà bệnh sẽ nặng nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người thân, cho cộng đồng xã hội.