SỬ DỤNG LÚA GẠO TẠO MIỄN DỊCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH

Một ngày nào đó, cây lúa có thể không chỉ cung cấp lương thực mà còn là một cách để ngăn ngừa bệnh tả và các bệnh khác.

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do phẩy khuẩn tả gây ra, hiện thịnh hành chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Bệnh tả lây qua nước hoặc thực phẩm, ở những nơi có điều kiện môi trường và nước uống không an toàn. Bệnh tả thường tiến triển trầm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết một nửa trong số bệnh nhân tả sẽ chết nếu không được điều trị tích cực và kịp thời.

Vắc-xin hiện tại để phòng, chống bệnh tả phải được bảo quản nghiêm ngặt trong dây chuyền lạnh, điều này gặp khó khăn và hạn chế trong sử dụng đối với các quốc gia nghèo, vì thiếu nguồn điện cũng như các thiết bị trong dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin.

gao

(ảnh minh họa)

Những năm gần đây, các nhà khoa học của Trường Đại học tổng hợp To­kyo, Nhật Bản đã nghiên cứu ra một loại lúa có chứa vắc-xin phòng, chống bệnh tả, loại vắc-xin này không cần phải bảo quản trong dây chuyền lạnh. Hiện nay, loại vắc-xin này đang được thực nghiệm trên chuột, hy vọng trong tương lai sẽ được sử dụng cho người.

Loại vắc-xin này được tạo ra trong một giống lúa, khi chuột ăn thóc, gạo, vắc-xin không những không bị mất hiệu lực bởi axít trong dạ dày chuột mà còn có tác dụng như kháng nguyên để cá thể tạo ra kháng thể phòng, chống lại bệnh tả.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm thấy vắc-xin trong loại thóc, gạo này vẫn giữ được hoạt tính ngay cả sau khi để ở nhiệt độ trong phòng bình thường với thời gian dài hơn một năm rưỡi. Lúc đó, con người chỉ cần ăn loại gạo này cũng có giá trị tạo ra kháng thể như sử dụng vắc-xin phòng, chống bệnh tả hiện nay.

Vắc-xin phòng, chống bệnh tả gây ra các phản ứng tại hệ miễn dịch và tại các vùng mô niêm mạc của đường tiêu hóa, hô hấp và cơ quan sinh dục. Phẩy khuẩn tả cũng như virus gây cúm, virus HIV gây AIDS có phản ứng và xâm nhập vào cơ thể người tại các vùng mô niêm mạc này. Các nhà khoa học hy vọng vắc-xin dựa vào thóc, gạo như là một giải pháp để bảo vệ nhân loại trong phòng, chống lại các bệnh xâm nhập qua vùng các mô niêm mạc này, như tả, cúm và AIDS. Đặc biệt, loại vắc-xin này không cần phải tiêm, không cần phải bảo quản lạnh nghiêm ngặt, mà sẽ được dùng như ăn uống và bảo quản như thóc, gạo bình thường.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cần phải nghiên cứu, thử nghiệm hoàn thiện loại vắc-xin này, cũng như có nhiều hy vọng mới để tạo ra nhiều loại vắc-xin dựa trên các thực vật khác để phòng, chống các bệnh khác cho loài người.

Lê Duy Sớm sưu tầm và biên dịch.