Qua vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, cần chấn chỉnh công tác quản lý y tế

Là một người có nhiều cống hiến và giàu tâm huyết đối với ngành Y tế, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, vừa có cuộc trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cùng các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực y tế hiện nay.Thầy thuốc phải đặt tính mạng của bệnh nhân lên trên quyền lợi của mình

Phóng viên (PV): Thưa ông, qua vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ông có thể nói gì về vấn đề y đức và giáo dục y đức hiện nay?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS, TSKH) Phạm Mạnh Hùng: Sự việc nghiêm trọng xảy ra ở cơ sở Cát Tường cho thấy chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục y đức cho người thầy thuốc.

Vậy nội dung cốt lõi trong giáo dục y đức là giáo dục cái gì, theo tôi là phải giáo dục cho cán bộ y tế: “Bất luận ở tình huống nào người thầy thuốc cũng phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của mình”. Qua sự việc tại cơ sở Cát Tường, chúng ta thấy rõ rằng bác sĩ đã không đặt tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của người thầy thuốc, kể cả khi đã xảy ra tai biến và biết rằng chính mình đã gây ra tai biến đó. Lúc đó phải đặt tính mạng người bệnh lên trên hết. Cho nên chúng ta phải phê phán, đồng thời phải định hướng rõ việc nội dung giáo dục y đức trong kinh tế thị trường là gì.

Ngày nay, nếu chỉ giáo dục đức tính hy sinh cho người thầy thuốc một cách lý thuyết chung chung dập khuôn như trước đây thì khó có tính thuyết phục. Ngoài việc biết hy sinh để phục vụ người bệnh, ngày nay người thầy thuốc cũng phải chăm lo đến cuộc sống của họ cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí có thầy thuốc phải “tự mưu sinh” bằng hành nghề y tế tư. Cái cốt lõi là ở chỗ dù anh có phải tự mưu sinh bằng hành nghề y tế, thì trong quá trình hành nghề này người hành nghề phải biết luôn luôn đặt tính mạng người bệnh lên trên quyền lợi của bản thân mình. Chỉ có như vậy người thầy thuốc mới có điều kiện và cơ hội để duy trì nghề nghiệp và nếu có duy trì được nghề nghiệp thì mới có cơ hội để mưu sinh, thăng tiến. Đây không phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ thời Hypocrat, cách đây 2.500 năm, Người đã khuyên người thầy thuốc: “Trước hết là không được làm hại bệnh nhân”. Bây giờ trong kinh tế thị trường, khi giải quyết mối quan hệ giữa việc cứu chữa người bệnh và việc mưu sinh cho cá nhân, thì một nguyên tắc của nghề nghiệp này lại càng được nhấn mạnh, đó là phải luôn luôn biết để quyền lợi của người bệnh và tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của người thầy thuốc.

Nhiều bất cập trong quản lý

PV: Cũng qua vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, nhiều người đặt câu hỏi về sự bất cập và lỏng lẻo trong công tác quản lý y tế hiện nay. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng: Ở đây có sự bất cập về quản lý, mà theo tôi nổi lên mấy điểm sau:

Một là: Vấn đề quản lý cán bộ, đã bị buông lỏng quá mức. Không thể nói một người bác sĩ ăn lương của nhà nước, hoạt động trong cơ quan nhà nước nhưng đi làm một công việc khác mà bệnh viện lại không biết. Vậy trách nhiệm về vấn đề quản lý cán bộ là thế nào?

Hai là: Quan hệ giữa quản lý lãnh thổ và quản lý chuyên ngành. Điều này có thể nói là trong ngành Y tế còn mập mờ. Mặc dù trong Nghị quyết 46-NQ/TW ban hành ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã khẳng định đối với y tế địa phương chủ yếu là quản lý theo ngành, nhưng trách nhiệm của quản lý lãnh thổ là đến đâu, ngành chuyên môn quản lý những vấn đề gì? Chính vì những điểm không rõ giữa quản lý theo lãnh thổ và quản lý theo ngành cho nên đôi lúc khi xảy ra sự việc thì chúng ta cứ đổ lỗi cho nhau giữa chính quyền địa phương và ngành Y tế. Tôi thấy, khi nói tới quyền lực thì ta hay ôm quyền lực vào mình, nhưng phải làm rõ quyền lực gì và quyền lực gắn với trách nhiệm như thế nào, kể cả đối với vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin cũng như vậy.

Ba là: Mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và dịch vụ y tế. Hiện nay giữa hai vấn đề này đang có phần lẫn lộn. Khái niệm quản lý nhà nước trong y tế là gì? Nhiều khi lấy lý do cán bộ quản lý y tế nghèo cho nên đưa cả công tác dịch vụ lẫn lộn vào công tác quản lý nhà nước! Nếu không làm rõ điều này thì cũng không thể làm rõ hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước với ba chức năng gồm ra chính sách, hướng dẫn thực hiện chính sách và kiểm tra thực hiện chính sách. Đặc biệt, công tác kiểm tra thực hiện chính sách của chúng ta đang rất yếu. Thanh tra đã thực sự là để thanh tra với nghĩa quản lý nhà nước hay thanh tra theo kiểu làm “dịch vụ thanh tra”? Tôi đề nghị phải làm rõ.

Bốn là: Mối quan hệ công – tư trong ngành y tế. Bệnh viện công của chúng ta hiện nay thực sự có thật là bệnh viện công hay không, và với cơ chế tự chủ, nó là bệnh viện công hay là bệnh viện tư “trá hình” và có điểm còn mập mờ hơn cả bệnh viện tư như tài chính? Còn vấn đề y tế tư nhân, ta chủ trương phát động y tế tư nhân nhưng lại không định hướng cho công việc này. Hiện nay, trên thế giới các nước đều xây dựng hệ thống y tế tư nhân, nhưng phần lớn là phi lợi nhuận. Vậy khái niệm phi lợi nhuận là thế nào và quán triệt trong y tế tư nhân của ta ra làm sao, hầu như ta chưa có một văn bản và định hướng rõ ràng. Cách đây gần một năm, Tổng hội Y học Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị việc xây dựng chiến lược phát triển y tế tư nhân ở Việt Nam, và nếu được Bộ đồng ý, Tổng hội Y học Việt Nam xin đứng ra làm công tác này để Bộ thẩm định và trình Chính phủ. Chúng tôi vẫn đang mong mỏi được Bộ Y tế trả lời.

Cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp

PV: Nhằm góp phần cải thiện năng lực hệ thống y tế Việt Nam, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đang được coi là một đòi hỏi thực tế, cần được sự quan tâm, đầu tư và khuyến khích. Qua những vụ việc gây chấn động gần đây trong ngành Y tế khiến nhiều người dân lo ngại khi đi khám chữa bệnh, ông đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay?

GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng: Theo tôi, cần định hướng lại nội dung và cách thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Xã hội hóa trong y tế, theo đúng tinh thần Nghị quyết 46 nêu trên đã nói rất rõ, đó là giáo dục cho người dân tự bảo vệ sức khỏe và tổ chức cho nhân dân tham gia chăm sóc sức khỏe, và trước hết xã hội hóa phải nhằm vào giải quyết chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người có công, người yếu thế trong chăm sóc sức khỏe (tôi nhấn mạnh cụm từ “trước hết”). Nhưng ngày nay, trong một số trường hợp, xã hội hóa y tế đã bị lợi dụng và ngụy biện nhằm chỉ cốt tập trung vào việc phát triển kỹ thuật cao thuần túy và tạo thời cơ lạm dụng để chạy theo đồng tiền lợi nhuận. Bởi vậy, phải định hướng lại cách thực hiện xã hội hóa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 46.

Ngoài ra, khi nói tới xã hội hóa cần phải nói tới việc phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội – nghề nghiệp như là Tổng hội Y học Việt Nam. Hiện nay trên thế giới, ở đa số các nước, thầy thuốc chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi họ tham gia hoạt động của một hội chuyên ngành và họ chỉ được mở phòng mạch và hành nghề đúng với chuyên ngành đó. Nếu Tổng hội Y học Việt Nam và các Hội thành viên chuyên ngành y học ở nước ta trong đó có Hội phẫu thuật thẩm mỹ, Hội hành nghề y tế tư nhân có vai trò thực sự và được tham gia thì sẽ hạn chế được những trường hợp như anh Nguyễn Mạnh Tường vừa qua. Bởi vậy, bàn về vai trò của các tổ chức quần chúng và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, theo tôi là một vấn đề hết sức quan trọng của ngành Y tế Việt Nam. Hiện nay, ta đã có Tổng hội Y học Việt Nam (với gần 60 năm lịch sử hoạt động) gồm 46 hội thành viên chuyên khoa trung ương (trong đó có cả Hội hành nghề y tế tư nhân) và 55 hội thành viên tỉnh/thành địa phương. Bộ Y tế nên phát huy vai trò tích cực của nó trong tham gia quản lý y tế cũng như tổ chức dịch vụ công về y tế, trước khi có vị nghĩ ra sáng kiến thành lập các tổ chức khác như Nghiệp đoàn y bác sỹ Việt Nam.

Hiện nay, tôi rất băn khoăn về vấn đề vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và sự quan tâm lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức này như thế nào để nó hoạt động đúng hướng, thực sự trở thành nhân tố quan trọng trong công tác trí thức vận của Đảng và trở thành chỗ dựa, cánh tay nối dài trong công tác của các Bộ, ngành trong đó có Y tế. Qua đây, tôi cũng xin kiến nghị với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nên chăng có những đề xuất mang tầm chiến lược để bàn về vấn đề quản lý y tế, từ đó mới giải quyết được, chứ cứ để xảy ra sự kiện rồi báo chí đưa lên và sau đó chúng ta lại đổ dồn lỗi cho ngành Y tế thì chưa chắc đã là đúng. Và chúng ta phải phân tích cụ thể các mối quan hệ trong vấn đề quản lý như sự kết hợp giữa quản lý lãnh thổ và quản lý ngành, quản lý ý tế công và y tế tư, quản lý con người và quản lý chuyên môn kỹ thuật, quản lý nhà nước và dịch vụ công… Tôi cũng không đồng tình với nhận thức cho rằng công tác y tế là một công tác mang tính chuyên môn kỹ thuật thuần túy, coi quản lý y tế chỉ là của riêng ngành Y tế và coi ngành Y tế phải chịu trách nhiệm tất cả khi có sự việc xảy ra, vì như vậy là chưa phù hợp với khoa học quản lý và và cũng chưa công bằng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Đức Thái – Kim Sơn. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam