Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực y tế, khối bệnh viện tư nhân ở Việt Nam đã phát triển về nhiều mặt, từ 40 bệnh viện năm 2004 tăng lên 170 bệnh viện năm 2014, góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hiện nay, nhiều bệnh viện tư nhân có quy mô từ 200 – 500 giường bệnh được đầu tư trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại. Đội ngũ y bác sĩ ngày càng hoàn thiện với đội ngũ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh của nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống bệnh viện tư nhân ở nước ta hiện nay mới chỉ sử dụng được 60% công suất giường bệnh. Nhiều cơ sở khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị hiện đại nhưng vẫn không thu hút được bệnh nhân trong khi các bệnh viện khối công lập luôn trong tình trạng quá tải đặc biệt ở các khoa như Ung bướu, Tim mạch, Nhi, Sản, Hô hấp… công suất sử dụng lên tới gần 200% số giường bệnh. Tình trạng nhếch nhác, luộm thuộm, ở chung, ở ghép của bệnh nhân và người nhà thường xuyên xảy ra.
“Sự phối hợp, tận dụng nguồn lực của cả bệnh viện công và bệnh viện tư là một giải pháp tốt trong đề án giảm tải bệnh viện” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định như vậy trong một cuộc hội thảo để bàn về cơ chế phối hợp giữa các bên nhằm hướng đến một mục đích chung nhất của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài toán về “năng lực”
Ông Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) cho biết trong quá trình hoạt động, khối bệnh viện tư nhân đã gặp rất nhiều khó khăn và rơi vào tình trạng “lép vế” nhiều so với bệnh viện công. Nguyên nhân của vấn đề này một phần cũng xuất phát từ cơ chế chính sách vẫn còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động như chính sách quy hoạch đầu tư, sự phân biệt giữa bệnh viện công, bệnh viện tư, các chính sách về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), phân thẻ BHYT, xếp hạng, chuyển tuyến, giá dịch vụ, đào tạo, khen thưởng. Hiện ở Thanh Hóa có 7 bệnh viện tư nhân nhưng chỉ còn duy nhất Bệnh viện đa khoa Hợp lực hoạt động, 6 bệnh viện khác đang trong tình trạng “ngắc ngoải” chờ giải thể, phá sản hoặc không dám công bố nợ.
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec đề xuất “Khuyến khích hợp tác phát triển chuyên môn giữa bệnh viện công và bệnh viện tư để tận dụng công suất, trang thiết bị tiên tiến nhằm tránh lãng phí chi phí đầu tư và giảm tải cho các bệnh viện công”.
Trong khi khối các bệnh viện tư nhân rất “cởi mở” và mong muốn có một cơ chế hợp tác với bệnh viện công thì khối công lập vẫn “lấp lửng, dè chừng”. Vấn đề chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn nhân lực là những nguyên nhân khiến bệnh viện công chưa có cơ chế hợp tác thích hợp với bệnh viện tư nhân.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn “từ chối” việc chuyển bệnh nhân từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Ông cho biết: “Bệnh viện Bạch Mai có thể chuyển bệnh nhân của mình sang bệnh viện công lập khác trên địa bàn, thậm chí chuyển người bệnh về bệnh viện công tuyến dưới (sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm) nhưng không bao giờ chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư (trừ Bệnh viện Vinmec vì đây là nơi được đầu tư bài bản và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có thỏa thuận hợp tác với bệnh viện này).
“Người bệnh vào bệnh viện thì sinh mạng, sức khỏe là quan trọng nhất, điều kiện ăn ở tuy quan trọng nhưng chỉ là phụ. Vì thế, trong chuyện này tôi cho rằng không thể dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết hay ép bệnh nhân sang bệnh viện tư. Có nơi không có bệnh nhân nhưng có nơi đông quá mà bệnh nhân vẫn sống chết phải lao vào vì đó là vấn đề chất lượng. Bệnh viện tư hãy tự nâng cao chất lượng thì ắt hẳn sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”” – ông Quốc Anh bày tỏ.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, Bệnh viện K sẵn sàng hợp tác với bệnh viện tư nhân trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhưng đặt ra câu hỏi: Liệu bệnh viện tư (đặc biệt là con người) có đủ khả năng tiếp nhận hay không?
Cần một cơ chế “mở”
Mặc dù đã và đang có sự “bất đồng” và những quan điểm trái chiều nhau trong cơ chế hợp tác giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhưng sự hợp tác, phối hợp giữa hai khối bệnh viện này là cần thiết và cũng là xu hướng phát triển tất yếu – như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định.
Hệ thống y tế tư nhân cũng mạnh dạn đề xuất các cơ chế nhằm không chỉ tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho phát triển mà còn từng bước nâng cao năng lực của đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tư nhân, khẳng định hệ thống y tế tư nhân sẽ góp phần tích cực trong công tác khám điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và giảm đi sự quá tải trong hệ thống y tế.
(ảnh minh hoạ)
Cần có cơ chế, chính sách mở cho phép bác sĩ từ công lập sang bệnh viện tư khám, điều trị cho bệnh nhân khi được mời hoặc tham gia làm việc ngoài giờ tại các bệnh viện tư và ngược lại, có thể cho phép các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện tư tham gia chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện công lập.
Nhà nước cho phép chuyển bảo hiểm, chuyển bệnh nhân từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư để khám, điều trị theo nhu cầu của khách hàng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế trong việc làm thủ tục cấp phép hoạt động cho các chuyên gia, bác sĩ người nước ngoài đến khám và điều trị tại các bệnh viện tư.
Tạo cơ chế phù hợp trong việc thanh toán bảo hiểm tương xứng với các kỹ thuật mà Bộ y tế cho phép khi phân hạng bệnh viện như bệnh viện loại 1, 2, 3… Bởi việc hạn chế thanh toán bảo hiểm cũng là một rào cản khiến không ít bệnh nhân mặc dù có nhu cầu và bệnh viện tư nhân hoàn toàn đáp ứng được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhưng bảo hiểm không thanh toán dẫn đến hạn chế sự tham gia khám chữa bệnh của bệnh nhân với các cơ sở y tế tư nhân.
Vấn đề nguồn nhân lực cũng là một bài toán “đau đầu” với các bệnh viện tư nhân. Đa phần các bệnh viện tư nhân hiện nay sử dụng nguồn nhân lực là các bác sĩ, chuyên gia đã nghỉ hưu, nhiều bác sĩ mới ra trường… Rất nhiều trường hợp được bệnh viện tư bỏ kinh phí ra đào tạo nhưng không có sự gắn bó lâu dài. Bệnh viện công vẫn là nơi mà đội ngũ y bác sĩ hướng tới. Chính vì vậy, để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững, khối các bệnh viện tư nhân cũng đề xuất Bộ Y tế cho phép bệnh viện tư phối hợp với các trường đại học, các cơ sở y tế tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế sau đại học. Nếu cơ sở nào đủ điều kiện có thể độc lập làm công tác đào tạo.
Bộ Y tế cần ban hành quy chế xếp hạng bệnh viện để phân định rõ chất lượng bệnh viện, tuyến điều trị làm cơ sở chuyển tuyến và thanh toán một số vấn đề liên quan khác. Nếu để tình trạng này kéo dài khối bệnh viện tư nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển tuyến từ bệnh viện nhà nước tuyến huyện sang bệnh viện tư nhân.
Trước sự cần thiết của vấn đề này, Bộ Y tế khuyến nghị hệ thống bệnh viện công lập cần phải có sự hợp tác nâng cao năng lực cho bệnh viện tư nhân như cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn theo thỏa thuận; tổ chức đào tạo cho cán bộ của bệnh viện tư nhân, hình thức đào tạo thực hiện gói kỹ thuật y khoa. Phối hợp liên doanh, liên kết trong đào tạo.
Trong điều kiện bệnh viện nhà nước quá tải, cũng cần xem xét việc phối hợp chuyển bệnh nhân sang điều trị tại các bệnh viện tư nhân có đủ điều kiện, chuyên môn, cơ sở vật chất để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân trong việc sử dụng, khai thác các thiết bị kỹ thuật cao. Thường xuyên tổ chức hội chẩn chuyên môn đột xuất hoặc định kỳ để cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm trên từng ca bệnh khó. Phối hợp công nhận kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng… tránh gây phiền hà cho người bệnh.
Vân Lam