Bệnh viện Phong – Da liễu TW Quỳnh Lập là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được thành lập ngày 20/4/1957 với chức năng và nhiệm vụ được Bộ Y tế giao là: Chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị cho hơn 230 bệnh nhân, khám và điều trị cho gần 40.000 bệnh nhân có thẻ BHYT và nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo công tác chống Phong – Da liễu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hơn 3000 bệnh nhân phong, hơn 500 trường hợp di chứng được phục hồi một phần bằng phẫu thuật, làm trên 1.000 chân tay giả cấp cho bệnh nhân cụt chi và trên 2.500 cặp nạng nẹp chỉnh hình.
Trải qua gần 60 năm tồn tại và phát triển, được đổi tên nhiều lần từ Khu điều trị Phong Quỳnh Lập thành Bệnh viện Phong – Da liễu TW Quỳnh Lập Bệnh viện đã trải qua bao thăng trầm đáng nhớ, những tưởng rằng người bệnh phong sẽ được sống bình yên như bao con người khác trong những năm từ 1957 – 1964 và mãi về sau. Nhưng không ngờ chiến tranh do đế quốc Mỹ hoành hành trên đất nước ta từ năm 1965 – 1973 đã cướp đi mạng sống của hơn 200 bệnh nhân và tàn phá toàn bộ cơ sở vật chất của Bệnh viện. Những ngày lầm than đó bệnh nhân phong và cán bộ viên chức phải lăn lộn với bom đạn, sống chui lủi nơi rừng thiêng nước độc; chưa hết, Bệnh viện lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất, trong thời kỳ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, thiên tai lũ lụt triền miên, liên tục đe dọa con người và nhà cửa nơi đây.
Hiện tại, Bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và nhiều cơ quan đoàn thể khác tặng thưởng nhiều huân chương và các danh hiệu cao quý như:
Huân chương Độc lập hạng Ba, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động hạng Nhất, Đơn vị văn hóa sức khỏe, Bệnh viện xuất sắc toàn diện nhiều năm liền và nhiều lần được Chính phủ và Bộ Y tế tặng cờ thi đua.
Các hoạt động hướng về
cộng đồng
Năm 2010 Đội y bác sỹ tình nguyện đã khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 4 xã trong huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Hoàng Mai và Quỳnh Phương) với hơn 1000 bệnh nhân, đặc biệt là khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 600 đồng bào dân tộc DarLai tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Năm 2011 đã cử một đoàn y bác sỹ tình nguyện đi khám và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng đồng bào dân tộc, chính sách tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Năm 2012 đã cử hai đoàn y bác sỹ tình nguyện đi khám và cấp thuốc miễn phí cho nhiều đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc miền núi tại hai xã Quỳnh Lập và Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ cho các cơ quan lận cận. Đặc biệt là khám cho toàn thể giáo viên, học sinh Trường THPT Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Trong nhiều năm qua Bệnh viện đã đóng góp hằng trăm triệu đồng cho các quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ Khỏe tại địa phương.
Từ năm 1994 đến nay Bệnh viện vẫn duy trì việc trợ cấp hàng tháng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xích tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Bệnh nhân phong tái hòa nhập cộng đồng và có nhiều thành công trong xã hội:
Có thể nói đối với một người mà bị mắc bệnh phong thời bấy giờ được coi là cực hình, bị xã hội kỳ thị, gia đình xa lánh, bỏ mặc, người bị mắc bệnh phong trong thời gian này nếu có được điều trị khỏi cũng không dám về nhà chứ đừng nói đến việc đóng góp nhiều thành công cho xã hội. Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng nghìn người bị bệnh phong điều trị tại Bệnh viện Phong- Da liễu TW Quỳnh Lập có một người mà người dân tại Làng phong Quỳnh Lập cũng như nhiều người trên đất nước Việt Nam không bao giờ quên vì sự đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp trồng người và đó là Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn.
Đang ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thìn dạy học tại Trường cấp II Liên Sơn nay gọi là trường Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) bị mắc bệnh phong. Hồi ấy căn bệnh nguy hiểm này còn được gọi là bệnh hủi, bệnh cùi, loại bệnh mà nhiều người chỉ cần nghe thấy đã hoảng sợ và tránh xa. Cay đắng và xót xa cho số phận mình, thầy gạt nước mắt và tủi nhục, để lại vợ dại con thơ nơi quê nhà, công việc còn dang dở và các em học sinh yêu quí đi chữa trị.
Chuyến xe chở thầy đến Bệnh viện phong tại xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một ngày đông giá rét. Hành trang mang theo bên thầy Thìn không thể thiếu những cuốn sách, tập vở, bút viết, chiếc máy ảnh và mấy bộ quần áo. Thầy cũng như bao người mang trong mình căn bệnh quái ác cùng về đây với tâm trạng nặng trĩu buồn đau, bởi không biết còn cơ hội trở về quê nhà nữa không? Vốn là nhà giáo dạy văn – sử, đến trại phong, thầy Thìn mới thấm thía hết nơi này đau thương và bất hạnh thế nào. Nhìn các cháu nhỏ không được học hành, phải theo bố mẹ sống trong trại phong, thầy không kìm được lòng mình. Nhìn những người già cô đơn, cụt chân cụt tay, dù bệnh tật đã đỡ nhưng cũng không dám về quê mà ở lại cho đến chết, thầy tự nhủ mình phải sống, sống để còn giúp đỡ các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa. Nói là làm, thầy đến gặp Giám đốc đề nghị xin thành lập trường để dạy chữ cho con em bệnh nhân phong. Trước đề án thuyết phục và tấm lòng của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Ban Giám đốc Bệnh viện đồng ý cho mở trường học Lê Văn Tám. Trường được thành lập trong niềm vui sướng, hân hoan của biết bao người, đặc biệt là những đứa trẻ đáng thương và thầy giáo, bệnh nhân Nguyễn Đức Thìn. Tập hợp tất cả những người từng làm giáo viên, trí thức cho đến bộ đội, họa sĩ đang điều trị tại đây, ai có thể dạy được điều gì hữu ích cho các em, ông đều mời tham gia. Thầy Nguyễn Đức Thìn vừa phải điều trị bệnh vừa tổ chức, lên kế hoạch giảng dạy vừa phải trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Sau 4 năm vất vả điều trị, sức khỏe của thầy đã đủ điều kiện để trở về quê nhà sinh hoạt và làm việc bình thường. Gắn bó với lớp, với trường tại Bệnh viện phong, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, thầy đành phải gạt nước mắt trở về trường cũ, mang theo đôi bàn tay tật nguyền, tê cứng không cảm giác.
Trở về trường, thầy lại tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người và phong trào “Nghìn việc tốt” do thầy khởi xướng và phát động từ năm 1963 trước khi bị bệnh. Phong trào này sau đó đã lan tỏa khắp miền Bắc, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các em học sinh và thậm chí cả người lớn. Đến năm 1991, thầy có quyết định nghỉ hưu, trở về công tác tại đền Đô. Trải qua biết bao thăng trầm biến cố cuộc đời, dù đôi tay vĩnh viễn không còn cảm giác và cứng tê, nhưng thầy giáo anh hùng Nguyễn Đức Thìn vẫn chưa ngơi nghỉ. Với những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã được Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng và danh hiệu cao quý nhất: Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Nhân dân năm 1988 cùng nhiều phần thưởng cao quí khác.
Bệnh viện Phong – Da liễu TW Quỳnh Lập, bệnh viện anh hùng thời kỳ đổi mới xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân trong vùng, xứng đáng với lời khen tặng của người dân: Bệnh viện của nhân dân – vì cộng đồng.
Trung hiếu