HỒI KÝ BÁC SỸ QUÂN Y THỜI CHIẾN

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những đau thương, mất mát vẫn còn in sâu đậm trong tâm trí của mọi người dân Việt Nam. Những mảnh ký ức về một thời đạn bom, máu lửa về nỗi khó khăn, vất vả của những bác sỹ, chiến sỹ như vẫn còn hiện ra đâu đó. Trong những cuốn sổ ghi chép lại sau cánh rừng già của những người lính đặc biệt ấy ranh giới giữa ta và địch không còn là khoảng cách nữa mà chỉ còn là tình của con người đối với nhau, của một người là bác sỹ cứu một con người mà thôi… 

Tạp chí Y học Cộng đồng trích đăng hồi ký chiến trường của GS. Đặng Hiếu Trưng – nguyên Đội trưởng Đội điều trị Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nguyên Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện TƯQĐ 108. Ông đã ghi lại câu chuyện về công việc của những bác sĩ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng năm nào.

Ngồi trên một đống bao cát làm công sự, tôi vươn vai hít thở không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc. Đây là trung tâm Mường Thanh, buổi sáng đầu tiên sau ngày quân viễn chinh Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Chung quanh tôi, quang cảnh chiến trường trải rộng ra tận chân núi xa xanh mờ lẫn với da trời. Hàng đoàn bộ đội, còn bê bết đất bùn, mặt gầy sắt lại nhưng vui sướng tự hào, đi lại rầm rập, xen với nhiều đoàn dân công gánh nặng trĩu, men những hố bom đầy nước mưa, chảy thành những dòng thác nguồn cuồn cuộn dọc đôi bờ sông Nậm Rốm lững lờ uốn khúc giữa cánh đồng Mường Thanh. Hai bên bờ lau già cháy xém lắt lay trong làn gió sớm, thỉnh thoảng nổ ục một quả mìn chậm. Xa hơn nữa là những bản ven sườn núi cao, những Bản Tấu, Mường Pồn, Hồng Lếch, Long Nhai…

Bac si quan y thoi chien

(ảnh minh hoạ)

Được tăng cường một đại đội vận tải và hai đại đội dân công, chúng tôi, Đội điều trị Đại đoàn 308, gọi tắt là ĐT8 được lệnh nhanh chóng triển khai thành một bệnh viện dã chiến, đưa hết tù binh Pháp bị thương lên khỏi hầm, cứu chữa, nuôi dưỡng họ và đợi lệnh cấp trên. Trên bãi hữu ngạn sông Nậm Rốm ngót 2 cây số vuông, lồi lõm hầm hào, dày đặc dây thép gai, một đợt công tác mới đã bắt đầu, không kém phần gian khổ, khó khăn!

Một cán bộ của Đội đến cho biết đã có thể đi kiểm tra các hầm tù binh bị thương. Đến một cửa hầm chật hẹp nép giữa hai ụ đất cao, thiếu tá thầy thuốc Gơrôvanh (Grauwin), Trưởng chỉ huy quân y Pháp tại Điện Biên Phủ, quay lại giơ tay mời chúng tôi xuống, bóng dáng to béo của y như choán cả miệng hầm. Nền hầm là một lớp bùn ngập đến bụng chân. Đây là một loại bùn đặc biệt, gồm máu mủ, chất nôn, chất thải, bốc lên mùi hôi khó tả. Ánh sáng ban mai rực rỡ trên mặt đất không lọt được vào hầm. Theo ánh đèn pin bước sâu vào, tôi hình dung ngay được nỗi kinh hoàng của địch những ngày trước khi đầu hàng, nằm bẹp trong hàng trăm cái hầm tương tự, dưới những trận bão sắt thép của pháo binh ta từ vành đai núi rừng quanh lòng chảo Điện Biên Phủ dội vào. Tường hầm nứt nẻ, ri rỉ những dòng nước nhỏ. Những khúc gỗ nhẵn bóng chống trần hầm. Nhìn kỹ, đó là những cột nhà của dân bản Mường Thanh xinh đẹp. Vầng sáng đèn pin soi một lối đi chật hẹp, lách giữa hai dãy khung cáng sắt, chồng chất hai ba tầng tù binh bị thương (mà chúng tôi gọi là tù thương). Tầng trên, một tù thương sọ não thiêm thiếp trong cơn hôn mê, đầu quấn băng chằng chịt đầy máu khô đông cứng. Tầng dưới, mấy người khác mặt mày xanh xám đang rên rỉ trong cơn viêm màng bụng nhiễm trùng. Leo lét vài ngọn nến tàn trong những cái hõm đào sâu vào tường đất, lạnh lẽo soi lên khung cảnh ma quái, đáng được gọi là “âm ty trên trần gian”. Ánh đèn chập chờn lướt qua các mỏm cụt tay chân, chiếu lên những túi hậu môn nhân tạo không được thay. Thoi thóp trên dãy cáng cuối hầm là những tù thương cột sống, đã nằm liệt ở đó từ bao giờ! Nay họ chỉ còn da bọc xương, sức sống tàn lụi dần trong đôi mắt lờ đờ sâu như lỗ đáo. Từ những bình huyết thanh, những dây chuyền dịch bằng chất dẻo lủng lẳng treo trên trần hầm, đến những đống chăn len lấm láp, cho đến những vỏ lọ thuốc ngổn ngang trên đất bùn, tất cả đều mang nhãn hiệu Mỹ hoen ố máu và bùn!

Khi rừng núi bao quanh Mường Thanh sẫm dần trong bóng hoàng hôn, một bệnh viện mặt trận cho tù thương đã được chúng tôi nhanh chóng dựng xong. Ven bờ sông thoai thoải chằng chịt hầm hào, hàng trăm dù hoa, lều bạt được căng lên, làm nơi mổ xẻ, thay băng, pha chế thuốc, săn sóc thuốc men cho ngót một nghìn tù thương. Trừ những người quá nặng nằm lịm luộc, mê man, những tù thương khác tỏ vẻ khoan khoái ra mặt. Được chúng tôi kiểm tra, mổ xẻ, thay băng, cho thuốc, cho ăn uống chu đáo, họ sung sướng nằm tận hưởng những phút đầu tiên trở về cuộc sống, sau hàng tháng chui rúc dưới hầm trong không khí ngột ngạt, lo âu.

Bước vào dưới một đôi dù hoa căng lồng vào nhau sát bờ sông Nậm Rốm rì rào trong đêm, tôi nhìn một vòng, điểm mặt những thầy thuốc quân đội viễn chinh Pháp được phép ở lại Mường Thanh. Bên cạnh Gơrôvanh là Đamani (Le Damany), đại úy quân y trưởng Binh đoàn cơ động số 6, mặt sắt lại, gầy nhom sau những ngày khủng khiếp. Đứng tựa cột treo dù, Stecman (Staerman), đại úy quân y thuộc Bán lữ đoàn lê dương 13, không giấu nổi vẻ khoan khoái, ung dung rít mấy hơi thuốc thuốc lá. Các thiếu úy Đêsơlốt (Dechelotte), Vecdaghê (Verda­guer) cùng mấy thầy thuốc trẻ vừa chân ướt chân ráo nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì bị bắt cầm tù, ngồi cạnh một ả đầm trạc 28, 29 tuổi, cao, gầy, xúng xính trong bộ quần áo lê dương loang lổ. Ả này là Đờgala (Geneviève De Gallard), người phụ nữ độc nhất trong số trên vạn quân lính viễn chinh Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ, ả chiêu đãi viên tàu bay bị giam chân tại Mường Thanh trung tuần tháng ba 1954, làm y tá trong các hầm hào. Một đối thoại ngắn giữa tôi và các thầy thuốc tù binh bắt đầu. Tôi hỏi:

– Các anh, chị có biết tại sao bị cầm tù ở đây không?

Hanxơ (Hantz), đại úy trưởng Đội phẫu thuật lính dù số 5, buồn bã trả lời: – Thưa ông, chúng tôi đã có linh cảm là chúng tôi sẽ thất bại ngay từ tháng ba, từ cái đêm khủng khiếp mà các ông hạ cứ điểm Bêatơrixơ (Béatrice, tức là Him Lam). Ôi, lạy Chúa, Bêatơrixơ mà chỉ huy chúng tôi, tướng Đờcát (De Castries), đã gọi là “không thể chiếm được”. (Béatrce L’imprenable)! Thực ra, trong không đầy một buổi tối, tiểu đoàn chúng tôi trấn giữ tại đấy chỉ còn vẻn vẹn 150 thương binh!

Hỏi: – Vậy kế hoạch Nava (Navarre) của các anh dùng để làm gì?

Đáp: Ôi, Nava, Nava, mối tai họa của chúng tôi! Làm kế hoạch ngay tại Sài Gòn, trước mặt là quạt máy, sau lưng là tủ lạnh, giữa hai ly rượu khai vị, Nava đã phạm tội tầy đình là quẳng chúng tôi vào cái lòng chảo kinh khủng này!

Hỏi: – Các anh còn nhớ số người bị thương do các anh phụ trách trước khi đầu hàng là bao nhiêu không? Rôngđi (Ron­dy), thiếu úy quân y Tiểu đoàn lính dù ngoại quốc số 1, láu táu, vừa trả lời vừa lật lật một quyển sổ tay nhầu nát: – Trong 20 ngày chống đỡ cuối cùng, tôi nhớ tôi đã mổ đâu vào quãng 250 ca! Ôi khủng khiếp: mổ sọ, cắt chân, cắt tay, bó bột, mổ bụng… trong khi pháo các ông dập liên hồi trên nắp hầm. Không hiểu nhờ đâu mà chúng tôi còn sống sót đến ngày hôm nay!

Tôi quay lại hỏi Gơrôvanh: – Theo ý các anh thì Chính phủ các anh sẽ nghĩ gì về Điện Biên Phủ?

Viên quan tư thầy thuốc lắc lư cái đầu hói bóng, hóm hỉnh trả lời: – Thưa ông, chính phủ Lanien (Laniel) ấy à? Chính phủ đó còn thì giờ đâu mà nghĩ thêm gì nữa, vì lẽ đơn giản làm sao nó đứng được sau cái thảm họa này!

Trung tuần tháng 5, hàng trăm cán bộ, nhân viên chuyên môn, được một số đơn vị khác mà đông đảo dân công giúp sức, sau nhiều ngày đêm làm việc không nghỉ, đã hoàn thành việc đưa 858 tù thương nặng lên mặt đất vào những buồng bệnh dã chiến dưới dù và lều bạt, kiểm tra, sửa lại, mổ xẻ… Một buổi sáng, sau khi mổ xong tôi đi qua giường bệnh, một viên đội tên là Pơlăngsê (Planchet) đã được mổ, đang hồi phục tốt, bỗng vùng dậy vồ chặt lấy tôi. Biết là một số tù thương còn ngang ngạnh, tôi lùi phắt lại, thì Pơlăngsê đã ghì chặt tay tôi, đầm đìa nước mắt, lắp bắp: Tôi biết rõ là nếu tôi không được mổ xẻ kịp thời và nuôi dưỡng thì tôi đã chết rồi, tôi đã vĩnh viễn xa rời quê hương Pơrôvăngxơ (Provence) xinh đẹp và yêu dấu của tôi. Nay tôi chắc sống rồi. Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi, nhưng chính là nhân dân và quân đội các ông mới thực sự đã cứu cho tôi sống lại”.

Cảm tưởng của Pơlăngsê không phải là cá biệt. Thấy được lòng nhân đạo của ta đối với kẻ đã hạ vũ khí, mỗi ngày hàng chục tù thương đã gửi thư cảm tạ. Một đêm, trong buổi chiếu phim trên bãi đất rộng bên sông, được xem những hình ảnh rực rỡ, lành mạnh của ngày hội Liên hoan thanh niên quốc tế, phần lớn tù thương, đặc biệt là binh lính Bắc Phi, đã vỗ tay hoan hô rầm rĩ. Đang buổi chiếu, bỗng một tù thương bị ngất. Sau khi được cấp cứu tỉnh lại, y thấy có một tù binh tuyên úy xin len vào làm phép cho y. Y mệt nhọc gạt tay viên tuyên úy đó ra và nói: – Không phải cái này đã cứu sống tôi đâu – vừa nói, y vừa chỉ vào chữ thập sắt lủng lẳng trước áo lê dương của viên tuyên úy viễn chinh – mà chính nhân dân Việt Nam mới thực sự đã cứu vớt thể xác và linh hồn tôi.

Trung tuần tháng 5, theo Chỉ thị của Bác Hồ, Chính Phủ ta đã cho phép cô chiêu đãi viên – y tá Đờgala được thả đầu tiên về Hà Nội.

Ngày 28 tháng 5, toàn bộ số tù thương nặng được xử trí, chăm sóc tốt, tiến triển sức khỏe ổn định, đã được trao trả bằng máy bay về Hà Nội do giáo sư Huya (Huard) phía Pháp phụ trách tiếp nhận. Nắng cuối tháng năm lấp lánh trên dòng Nậm Rốm, trên núi đồi trùng điệp quanh Mường Thanh. Không khí không còn vẩn tro tàn của rừng bị bom đạn đốt phá. Đồng bào đã lục tục trở về bản cũ. Các tổ công binh đang tiếp tục dò quét cho kỳ hết vô số bãi mìn do địch cài trên cánh đồng. Trên nương đã nghe tiếng mõ trâu lộc cộc. Các em bé chăn trâu vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt đơn vị chúng tôi đang dấn bước trên đường 41 về xuôi, nơi đó cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn và chờ đợi chúng tôi.

(Ghi tại Điện Biên Phủ và trên đường 41, hạ tuần tháng 5 – 1954)