CÁCH THỨC CHỐNG DỊCH SỞI Ở AUSTRALIA

Australia, bệnh sởi gần như được xóa bỏ do chương trình chích ngừa trẻ em. Tuy nhiên, vài năm gần đây, cả nước cũng trả qua vài dịch sởi, và mỗi lần số ca ghi nhận thường <30 người, phần lớn là ở trẻ em nước ngoài di cư đến Australia. Tỉ lệ phát sinh (incidence) dao động trong khoảng 0.5 đến 6 ca trên 1 triệu người. Tuy chỉ là vài ca hay cao lắm là 25 ca, thì cả hệ thống y tế công cộng vào cuộc. Australia có sẵn một tài liệu hướng dẫn ứng phó với dịch. Nguyên lí là không để dịch sởi lan tràn, và khống chế dịch ngay từ cơ sở. Theo đó, họ làm 4 bước như sau:

Bước 1: Ra thông báo “alert”, tức cảnh báo công chúng rằng bệnh sởi đang xảy ra.

Bước 2: Ở mỗi bang, lập ra một nhóm đặc nhiệm, bao gồm chuyên gia y tế cộng đồng bác sĩ, y tá, đại diện tổ chức cộng đồng. Nhiệm vụ của đội đặc nhiệm là quản lí và hướng dẫn phòng ngừa sởi.

Bước 3: Đội đặc nhiệm đi xuống tận cơ sở (như trường học, cộng đồng xa) để chích ngừa, cung cấp thông tin và hướng dẫn phòng ngừa và tự điều trị cho các gia đình.

Bước 4: Thu thập dữ liệu về sởi và theo dõi chặt chẽ tiến triển của dịch.

anh dich soi o Uc

(ảnh minh họa)

Ở Australia, trong vài chục năm nay không có ai chết vì sởi.

Nhìn qua những bước phòng ngừa bệnh như trên và đối chiếu lại với cách Việt Nam làm, chúng ta dễ thấy vài khác biệt. Ở Việt Nam bệnh nhân tràn về các bệnh viện lớn ở Hà Nội và điều không nên nhất là để nhiều trẻ em nằm chung giường với cha mẹ! Bệnh sởi là bệnh lây lan, mà để bệnh nhân trong tình huống như thế thì khả năng lây chéo là điều khó tránh khỏi. Ở Australia, chỉ cần 1 ca bệnh nhiễm là bệnh viện lập tức cách li ngay, thân nhân không được vào (chỉ nhìn qua cửa kính). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với hàng trăm ca nhập viện cùng một lúc thì việc cách li như Australia rất khó thực hiện.

Phần lớn những phương cách ứng phó của ngành y tế Việt Nam vẫn là … tuyên truyền. Tuyên truyền, giáo dục bằng cách đọc thông báo trên đài radio hay tivi vẫn là phương thức khá phổ biến ở Việt Nam. Theo đó, tuyên truyền là một cách làm tương đối thụ động và không giúp ích gì nhiều trong thực tế, vì số người dân nghe không nhiều. Ngành y tế Australia không chỉ ngồi một chỗ viết “tuyên truyền” mà họ TRỰC TIẾP đi xuống từng trường học để làm (chích ngừa, hướng dẫn phòng dịch…).

Có thể thấy, thông tin chống sởi của Bộ Y tế còn quá ít. Tuần trước, vào website của Bộ, dễ dàng thấy những thông báo, thông cáo, chỉ thị, tin tức liên quan đến quan chức trong ngành, chứ không thấy thông tin liên quan đến bệnh nhân. Hiện tại, khi vào web­site thì đã thấy có banner “Phòng, chống dịch sởi”. Nhưng khi truy cập vào trang đó thì vẫn không có thông tin thiết thực cho gia đình có con mắc bệnh sởi. Hầu hết thông tin còn chung chung như: “Phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi không khó!”, “Thông báo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về giải pháp phòng chống bệnh sởi”, “Bệnh sởi giảm cả số ca mắc và tử vong”, v.v. và những “giao lưu trực tuyến”.

 

TRÍCH MỘT PHẦN TÀI LIỆU PHÁT CHO GIA ĐÌNH Ở AUSTRALIA:

(a) cho trẻ uống nhiều nước;

(b) nghỉ ngơi ở phòng tối (tránh cho mắt tiếp xúc với ánh sáng);

(c) cho uống paracetamol để giảm sốt; không cho aspirin trẻ em dưới 16 tuổi vì có thể gây biến chứng;

(d) tránh gãi da;

(e) cắt móng tay ngắn lại;

(f) nếu trẻ bị ngứa, có thể dùng sản phẩm chống ngứa;

(g) nếu mắt dính và bầy nhầy, dùng nước muối và bông gòn rửa

 

 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney , Úc