BỆNH VIỆN TƯ NHÂN: “ĐẦU TƯ LỚN – HIỆU SUẤT NHỎ”

Theo Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cả nước  hiện có 170 bệnh viện tư nhân chiếm 11% hệ thống y tế trong  cả nước.  Bệnh viện tư nhân ra đời theo chủ  trương  xã hội hóa của Ngành Y tế và đặt ra kỳ vọng  giảm  tải cho  các bệnh viện công. Tuy nhiên, thực  tế cho  thấy  mặc dù đã được đầu tư rất lớn cả về quy mô và cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng  hiệu suất sử dụng chưa thật  sự đạt được như kỳ vọng.

Trong khi bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải, thiếu giường thừa bệnh nhân thì một số bệnh viện tư lại trong tình trạng “ế ẩm” mới chỉ sử dụng hết khoảng 60% công suất giường bệnh so với tiềm năng hiện có.

Đầu tư lớn

Với 170 bệnh viện tư nhân đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện tư nhân đã và đang đầu tư nguồn lực rất lớn để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại, hệ thống bệnh viện tư nhân đã và đang tạo điều kiện tốt nhất về chế độ đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với khoản đầu tư 99 triệu USD tương đương với 80% cổ phần, Tập đoàn Chandler Corporation Singapore chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Hiện tại, hệ thống Hoàn Mỹ có 5 bệnh viện với 800 giường bệnh và 4 phòng khám, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu long.

Bệnh viện Triều An ra đời sau Hoàn Mỹ nhưng quy mô đầu tư cũng không kém. Với tổng diện tích xây dựng 21.600m² tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Triều An là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y tế công nhận “đa chuyên khoa sâu” và có quy mô lớn nhất Việt Nam. Bệnh viện hiện có quy mô gần 400 giường, với 8 phòng mổ tiêu chuẩn quốc tế, có khu điều trị cấp cao VIP (bệnh viện khách sạn) và bao gồm 16 khoa. Khu khám bệnh có 27 phòng khám và 2 phòng tiểu phẫu được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại phục vụ bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec  là bệnh viện khách sạn 5 sao quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong tổ hợp Times City, Minh Khai, Hà Nội trực thuộc Tập đoàn Vingroup, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2012.

benh vien Vinmec

Bệnh viện có 19 khoa, bao gồm 31 chuyên khoa và hơn 600 phòng bệnh và phòng khám, trong đó có 25 phòng  VIP hạng sang và 2 phòng Tổng thống được đầu tư trang thiết bị tối tân.

Ngoài Hoàn Mỹ, Vinmec hay Triều An, một loạt các bệnh viện khác cũng đã và đang tạo dựng được niềm tin lớn của bệnh nhân như Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Tim Tâm Đức…

Hiệu suất nhỏ

Mặc dù được đầu tư lớn cả về quy mô, phương tiện kỹ thuật hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên hệ thống bệnh viện tư nhân vẫn loay hoay trong bài toán cân đối chi phí bởi thực tế “thu” không đủ bù “chi” và nếu tình trạng này kéo dài, nhà nước không có những cơ chế chính sách, hành lang pháp lý hợp lý sẽ rất khó tạo điều kiện cho bệnh viện tư nhân phát triển bền vững.

Ông  Nguyễn Văn  Đệ  –  Giám  đốc  Bệnh  viện  Hợp  Lực (Thanh Hóa) cho hay, hiện các bệnh viện tư đang làm việc dưới tải nhưng sẽ không có chuyện bệnh viện công chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư vì liên quan đến vấn đề nguồn thu cho ngân sách địa phương; bệnh viện công chỉ có thể chuyển bệnh trong cùng hệ thống chứ bệnh viện tư khó chen vào. Hơn nữa, nhiều bệnh viện công muốn quá tải để xin đầu tư mở rộng, nâng cấp, mua sắm thiết bị… vì tất cả quy trình đó đều có thể sinh lợi nhuận.

Ông Đệ chia sẻ  “thành lập bệnh viện tư đã khó nhưng giữ được bệnh viện tư còn khó hơn nhiều. Hiện cả nước có 170 bệnh viện tư nhân với tổng vốn đầu tư khoảng trên 300.000 tỉ đồng và nếu sử dụng hiệu quả thì đây là nguồn tài chính rất lớn phục vụ cho việc giảm tải bệnh viện”.

“Sau khi tìm hiểu 170 bệnh viện tư, chúng tôi thấy số bệnh viện chết và ngắc ngoải chiếm đến khoảng 50% do làm việc dưới công suất. Nhiều doanh nghiệp vỡ nợ mà chưa dám công bố. Nếu bệnh viện tư chết thì đây quả là một sự lãng phí khối lượng lớn tài sản của xã hội” – ông Đệ bày tỏ.

Ông Vũ Thế Hùng   – Phó Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân, Giám đốc Bệnh viện Tràng An cho rằng, hiện nay các bệnh viện tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đa phần đều bắt nguồn từ cơ chế, chính sách của nhà nước. Chính những cơ chế không rõ ràng này đã vô tình tạo ra những rào cản hạn chế sự phát triển của bệnh viện tư nhân.

Thứ nhất: Về mặt đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng: Các bệnh viện tư nhân (đặc biệt là bệnh viện tư nhân ở miền Bắc) không được hỗ trợ về tiền thuê đất hay các khoản thuế, phí khác theo giá ưu đãi. Bệnh viện tư nhân ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh được hưởng nhiều ưu đãi hơn trong vấn đề này.

Thứ hai: Về chính sách bảo hiểm: Nhà nước chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng Bảo hiểm xã hội được chi trả khi đến khám, chữa bệnh và điều trị tại hệ thống bệnh viện tư nhân. Điều này dẫn đến rất nhiều bệnh nhân có Bảo hiểm xã hội muốn được điều trị tại bệnh viện tư nhân nhưng vì không được hoặc được thanh toán một phần bảo hiểm rất nhỏ khiến chi phí điều trị lên quá cao gây bất lợi cho chính bệnh nhân. Bệnh viện mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác hỗ trợ, tuy nhiên họ vẫn phải cân đối bài toán thu chi cho hợp lý.

Thứ ba: Về vấn đề nhân sự: Mặc dù có chế độ đãi ngộ rất tốt, mức lương các bệnh viện tư chi trả gấp nhiều lần số tiền lương được hưởng từ các bệnh viện công nhưng các bác sĩ trẻ mới ra trường, những người có trình độ chuyên môn khác không “mặn mà” với y tế tư nhân. Nhiều người  coi bệnh viện tư nhân là một nơi công tác tạm thời, không ổn định và gắn bó.

Thứ tư: Bệnh viện tư nhân rất cần sự phối hợp chuyên môn của các bác sĩ có tay nghề, bác sĩ giỏi có chuyên môn sâu hiện đang làm việc tại bệnh viện công để thực hiện những ca mổ khó, những phạm vi chuyên môn bệnh viện tư chưa đảm nhiệm được. Tuy nhiên cơ chế phối hợp này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt trong thủ tục hành chính. “Mời được các chuyên gia đến chữa bệnh, điều trị đã khó, còn bắt họ xuất trình các giấy tờ, thủ tục hành chính và ký hợp đồng cam kết khám chữa bệnh nữa thì khó vô cùng” – Ông Hùng nói.

Bên cạnh cơ chế chính sách, hành lang pháp lý hiện nay còn nhiều rào cản, chưa thực sự rõ ràng, thông thoáng cho hệ thống bệnh viện tư nhân phát triển thì vấn đề khó khăn nữa mà các bệnh viện tư nhân đang gặp phải chính là tâm lý của bệnh nhân.

Bệnh nhân chưa thực sự đặt niềm tin vào hệ thống y tế tư nhân (đa phần đều xuất phát từ nhận thức cái gì của tư nhân cũng mang tính tạm bợ, không bền vững). Điều này có nhiều nguyên nhân, bên cạnh việc có một số bệnh viện vì bài toán kinh tế, có sự cạnh tranh không lành mạnh nên đã đánh mất niềm tin từ phía bệnh nhân thì vấn đề truyền thông cũng đang tác động tiêu cực đến hệ thống y tế tư nhân.

“Chúng tôi cho rằng, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đều là những nơi chăm sóc sức khỏe cho con người – Dù là bệnh viện công hay bệnh viện tư”,  Ông Vũ Thế Hùng kết luận.

Hải Đăng